Mỗi gia đình vào dịp Giao thừa thường chuẩn bị một mâm cúng để cầu Bình An, tài lộc trong năm mới. Tuy nhiên nghi lễ cúng giao thừa đón năm mới chính xác như thế nào thì không phải ai cũng biết. Dưới đây là cách thực hiện nghi lễ cúng giao thừa đúng phong tục. Các gia đình có thể tham khảo để thực hiện chính xác.
Thời gian cúng Giao thừa: Thông thường, các gia đình thường cúng giao thừa vào ngày 30 tháng Chạp hay còn gọi là ngày trừ tịch. Ý nghĩa của việc cúng tất niên nhằm mục đích trừ hết những điều không may của năm cũ để sang năm mới. Vào đêm 30, người Việt xưa và nay thường chuẩn bị mâm cỗ để thực hiện nghi lễ cúng giao thừa. Thông thường, nghi lễ được thực hiện vào giờ chính Tý, tức đúng 12 giờ đêm 30 tháng Chạp sang mùng 1 Tết của năm mới, để tiễn đưa những vị thần năm cũ và nghênh đón những vị thần mới.
Mâm lễ thường được đặt ở giữa sân, nếu gia đình nào không có sân thì các gia đình có thể làm lễ trên sân thượng, ban công. Mâm lễ thông thường quay hướng bắc hoặc hướng đông tây tùy theo từng chủ hộ. Thông thường, mọi người sẽ chuẩn bị một chiếc bàn đủ lớn để mâm lễ.
Theo phong tục truyền thống, người Việt tin rằng giao thừa là thời khắc mà các vị quan Hành khiển sẽ bàn giao công việc cai trị trong năm. Mâm cúng giao thừa ngoài trời để tiễn đưa các vị quan hành khiển và phán quan năm cũ và nghênh đón vị thần mới. Còn mâm cúng giao thừa trong nhà là thể hiện sự hiếu thảo, biết ơn đến ông bà tổ tiên, những người đi trước.
Mâm cỗ ngoài trời gồm có: hương, các loại quả, hoa tươi, thắp 9 ngọn nến hoặc đèn dầu, trầu cau, gà trống hoặc thủ lợn luộc, xôi đỏ, bánh chưng xanh cùng các loại đồ nấu phổ thông, 9 chén rượu (rượu trắng và rượu vang đỏ).
Mâm lễ cúng giao thừa trong nhà gồm: Các món ăn như bánh chưng, giò - chả, xôi gấc, thịt gà, các món ăn mặn khác tùy theo nhu cầu của gia đình và hương, hoa, đèn nến, trầu cau, bánh kẹo, mứt tết, rượu/ bia và các loại đồ uống khác.
Theo phong tục, các gia đình cần cúng giao thừa ngoài trời trước rồi đến trong nhà. Sau khi chuẩn bị xong mâm lễ, vào đúng thời khắc giao thừa, người lớn nhất trong gia đình ăn mặc chỉnh tề bắt đầu hành lễ. Đầu tiên là khấn ngoài trời, khấn Phật và các quan trước, xin trời Phật phù hộ, cầu dân an quốc thái, cầu cho sức khỏe gia đình bình an, sau đó mới lễ trong nhà.
Sau khi cúng giao thừa, các thành viên mời mời tiền nhân về ăn Tết cùng với con cháu hậu thế, các gia chủ khấn Thổ Công, tức là vị thần cai quản trong nhà. Sau khi tiến hành xong nghi thức cúng giao thừa, các thành viên trong gia đình sẽ tiến hành nghi lễ Chúc Tết, với các thành viên trong gia đình.
Mọi việc tiến hành đều mang tính lễ nghi, tránh có sự mê tín dị đoan. Quan trọng nhất vẫn là tấm lòng thành kính của các thành viên trong gia đình.
*Thông tin mang tính chất tham khảo*