Tết nguyên đán 2021 sắp đến gần. Mọi năm, cứ vào dịp giáp Tết là người dân lại nô nức sắm sửa bánh kẹo, hoa đào, hoa mai,.. trưng bày trong nhà. Tuy nhiên, năm nay, Tết Nguyên đán có phần trùng xuống vì dịch bệnh.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến chiều ngày 31/1, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 đã ghi nhận thêm 36 trường hợp dương tính với nCoV. Trong đó, riêng tỉnh Hải Dương có 9 ca mắc mới, gồm 5 ca bệnh ở vùng phong tỏa.
Ở Hải Dương hiện nay, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều khu vực trong tỉnh đã phát động lệnh phong tỏa do có liên quan đến các ca bệnh Covid-19. Cũng kể từ đây, cuộc sống của người dân đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nhũng ngày này, người dân Hải Dương không chỉ vất vả từng ngày phòng chống dịch bệnh, ngăn chặn nguy cơ lây lan mà còn vất vả khi đối diện với nỗi lo thất thu. Ở những tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh... Tết có lẽ càng khó khăn hơn khi bỗng dưng hàng loạt thương lái huỷ giao dịch, đòi lại tiền đặt cọc cây đào Tết.
Kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều gia đình trồng đào đối mặt với nguy cơ lỗ vốn. Ngay từ khi có lệnh phong tỏa, nhiều thương lái đã hủy giao dịch, đòi lại tiền cọc khiến người dân Hải Dương “kêu trời”.
Ông Nguyễn Nhân Chơi là một người buôn đào ở Hải Dương. Nhà ông trồng 700 gốc đào, dự tính bán hơn 230.000 đồng/cành, tổng cả vườn đào sẽ rơi khoảng 140 triệu đồng. Tuy nhiên dịch bỗng quay trở lại, tỉnh bị phong tỏa, đường nào cũng cấm xe. Vì vậy mà thương lái không thể vào vườn thu mua, ông Chơi chỉ còn cách trả lại tiền cọc cho họ và chấp nhận mất trắng.
Ông chia sẻ với báo Dân Trí: "Người dân chỗ tôi mọi người trồng đào hết. Những năm trước, dù thời tiết nắng ấm và trồng ít nhưng gia đình nào cũng có lãi. Nhưng năm nay, nhà nào cũng trồng ít nhất 5-6 sào, với khoảng trên dưới 1.000 cành thì lo lắng lắm. Riêng những nhà trồng mấy mẫu đào trở lên mà tình hình dịch bùng phát như hiện nay thì chỉ biết khóc ròng vì xác định trắng tay và có nguy cơ nợ ngân hàng lên tới hàng tỷ đồng".