Vào mỗi dịp cuối năm Âm lịch, các gia đình người Việt lại thực hiện lễ cúng ông Công, ông Táo để tiễn các ông về chầu trời. Đây là một tín ngưỡng mang ý nghĩa nhân văn, hướng con người sống thiện, sống tốt. Đến cuối năm là lúc ông Táo về chầu trời, báo cáo với Ngọc Hoàng việc làm tốt, xấu của gia đình trong năm.
Lễ vật cúng ông Công ông Táo
- Mũ Ông Công ông Táo 3 cỗ, trong đó 2 cỗ dành cho Táo ông (có cánh chuồn) và một cỗ dành cho Táo bà (không có cánh chuồn)
- 1 chiếc áo, 1 đôi hia giấy, cá chép giấy.
- Tiền vàng tùy tâm, vàng nén, vàng thỏi.
- 3 con cá chép sống thả trong chậu nước.
Mâm cỗ
Các gia đình có thể làm lễ chay hoặc lễ mặn, có thể cúng theo kiểu trước cúng sau ăn.
Lễ mặn gồm xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng...
Lễ chay gồm trầu cau, hoa quả, giấy vàng, giấy bạc...
Nói chung, một mâm cúng ông Táo sẽ tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, khẩu vị của từng gia đình, tùy thuộc vào từng vùng miền.
Thời gian cúng ông Công ông Táo
Theo các chuyên gia Phong thủy, lễ cúng ông Công ông Táo có thể được thực hiện từ tối ngày 21 tháng Chạp đến sáng ngày 23 tháng Chạp. Vào ngày 23, nên thực hiện lễ cúng từ 6h sáng trở đi, khi mặt trời đã lên và hoàn thành trước 12h trưa khi mặt trời chính ngọ.
Nghi lễ và văn khấn ông Công ông Táo
Gia chủ cần chuẩn bị 2 mâm cúng ông Công, ông Táo. Một mâm đặt trên ban thờ, một mâm cúng ở trong bếp. Mâm đồ lễ phải đặt trên bàn cao, không để dưới đất.
Ở trong bếp, khi cúng ông Công ông Táo phải bật bếp lên cho cháy rực. Mâm cỗ đề huề thì cả nhà quanh năm no ấm.
Người thực hiện nghi lễ cúng ông Công ông Táo tốt nhất là chủ nhà, là người đàn ông trong gia đình. Khi thực hiện lễ cúng thì cần tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo chỉnh tề và cúng bái thành tâm.
Bài văn khấn ông Công ông Táo:
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Con kính lạy ngài Đông trù Tư mệnh Táo Phủ Thần Quân!
Tín chủ con (chúng con) là.........
Ngụ tại:.........
Hôm nay ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm sửa biện hương hoa, phẩm vật xiêm hài mũ áo, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, dâng hiến Tôn Thần, đốt nén tâm hương, dốc lòng bái thỉnh.
Chúng con kính mời:
Ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần Quân giáng lâm trước án, thụ hưởng lễ vật.
Kính cẩn báo Ngài, vị chủ gia thần, soi xét lòng trần, Táo quân chứng giám,
Trong năm sai phạm, lỗi lầm các tội, cúi xin Tôn thần, gia ân châm chước,
Ban phước phù hộ toàn gia, an ninh khang thái, dãi tấm lòng thành, kính cẩn cúi xin, mong Ngài chứng giám.
Cẩn cáo.
Sau khi cúng xong, đợi hương tàn 2/3 thì xin phép hạ lễ hóa vàng. Khi hương còn đang cháy thì hóa vàng mới nhận được. Cá chép sau đó được thả xuống sông, hồ để cá đưa ông Táo về chầu trời.
* Thông tin chỉ mang tính chiêm nghiệm, tham khảo
>> Xem thêm: Có được cúng ông Công ông Táo trước ngày 23 tháng Chạp?