Tại Ấn Độ, một ngôi làng kì lạ với tập tục vô cùng đặc biệt khi cứ mỗi một bé gái được sinh ra thì cả dân làng sẽ cùng nhau trồng đủ 111 cây xanh.
Phong tục kì lạ này bắt nguồn từ một ngôi làng nhỏ Piplantri nằm tại Rajasthan, Ấn Độ khi ông Shyam Sundar Paliwal – cựu trưởng của ngôi làng đã mất đi cô con gái nhỏ Kiran. Từ đó, ông đã đặt trách nhiệm cho bản thân mình và dân làng về việc bảo vệ và trân trọng mỗi bé gái ra đời. Ông Shyam và người dân đã cùng nhau trồng đủ 111 cây non mỗi khi ngôi làng chào đón một bé gái.
Cả dân làng cùng nhau trồng đủ 111 cây xanh mỗi khi bé gái chào đời. |
Tất cả cây xanh sẽ được trồng trên các bãi đất công của ngôi làng Piplantri và được chăm sóc cho tới khi trưởng thành. Ngoài ra, mỗi bé gái khi lớn lên sẽ nhận được một khoản tiền riêng khoảng 21,000 rúp (tương đương 7,000,000 đồng) do dân làng quyên góp và 10,000 rúp (khoảng 3,345,000 đồng) của cha mẹ mỗi em. Ngoài ra, cha mẹ các em cũng phải kí một biên bản nhằm đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của các bé gái theo truyền thống của ngôi làng.
Dự án trồng cây này nhằm bảo vệ quyền lợi của phụ nữ. |
Nguyên nhân là do tại Piplantri, văn hóa trọng nam khinh nữ đã ăn sâu và bám rễ trong tư tưởng của người dân tại đây. Họ thường không muốn nuôi và cho phép các bé gái có thể đi học hoặc tham gia các hoạt động xã hội. Vì vậy, tập tục trồng cây này cũng là một cách để bảo vệ và lên tiếng đòi quyền bình đẳng của nữ giới tại Piplantri. Đây cũng là một bước tiến quan trọng trong tư tưởng của người dân Piplantri để quý trọng và yêu thương phụ nữ.
Nhiều loài cây đã mang lại giá trị kinh tế cao cho ngôi làng. |
Kể từ năm 2006 tới nay, ngôi làng đã trồng được 250.000 cây xanh với nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao như cây xoài, cây nim Ấn Độ (một loại thuốc quý), cây gỗ chi Sưa... Đặc biệt, người dân Piplantri cũng đã có thêm một nguồn thu nhập ổn định nhờ vào việc trồng cây lô hội. Loại cây này mang lại rất nhiều những tác dụng hữu ích và giá trị kinh tế cao cho hơn 8.000 người dân trong ngôi làng.
Nguyễn Tâm (tổng hợp)