Trong một quán bar tại vịnh Subic Bay của Philippines thuộc sở hữu của một cựu chiến binh quân đội Mỹ, chủ đề chính của cuộc nói chuyện không phải là cuộc bầu cử sắp tới của Hoa Kỳ mặc dù hình Donald Trump xuất hiện trên mũ, ly sứ và màn hình tivi.
Chủ đề của buổi nói chuyện xoay quanh những căng thẳng giữa tổng thống Philippines Rodrigo Duterte với Washington và việc ông Duterte đang "ve vãn" Trung Quốc. Đó là những điều lo ngại của rất nhiều người Mỹ đang định cư ở các vùng lân cận của vịnh Subic Bay, nới từng là một căn cứ của hải quân Hoa Kỳ.
Một quán bar của người Mỹ tại Philippines. Ảnh: Reuters |
"Nỗi sợ hãi lớn nhất là một ngày, có người sẽ đánh thức anh dậy và nói 'tất cả người Mỹ phải ra khỏi thị trấn' và chúng tôi sẽ phải rời khỏi những người thân yêu nơi đây " Jack Walker, một trung sĩ Hải quân đã nghỉ hưu, người đã sống ở Olongapo, một thị trấn xung quanh Subic, trong 5 năm.
Trong hơn một thế kỷ, Philippines và Hoa Kỳ đã có lịch sử chung: chủ nghĩa thực dân, chiến tranh, bạo loạn, viện trợ và quan hệ kinh tế sâu sắc. Điều đó có thể thay đổi khi chính quyền ba tháng tuồi của Duterte xem xét lại các mối quan hệ.
Trong một loạt các tuyên bố khiếm nhã, Duterte đã xúc phạm Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và đại sứ Hoa Kỳ tại Manila khi họ bày tỏ quan ngại về chiến dịch chống ma túy đã dẫn đến cái chết của hơn 2.000 người Philippines. Ông nói tổng thống Obama hãy "cút xuống địa ngục" và ám chỉ sẽ cắt đứt quan hệ với Washington.
Sau đó, sau nhiều tuần hùng biện chống Mỹ, Duterte nói Philippines vẫn sẽ duy trì các điều ước quốc phòng hiện có và các liên Minh Quân sự giữa hai nước.
Các phát biểu của Duterte đã làm cho người Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ tại Philippines bồn chồn về tương lai của họ, Ebb Hinchliffe, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ nói.
"Mỗi lần ông ta mở miệng và nói điều gì đó tiêu cực về nước Mỹ, cá nhân tôi thấy bị tổn thương ... và xét trên quan điểm kinh doanh, điều này là không tốt chút nào," ông nói.
Ông cho biết ít nhất ba phái đoàn thương mại đại diện cho ngành công nghệ, dịch vụ tài chính và các công ty sản xuất của Mỹ đã hủy chuyến đi tới Philippines trong những tuần gần đây.
Ít nhất hai công ty của Mỹ đã chọn Việt Nam là điểm đến thay thế cho việc đầu tư tại Philippines "vì thái độ chống Mỹ của tổng thống nước này". Hinchliffe từ chối nêu tên công ty hoặc cho biết thêm chi tiết.
Quốc gia phụ thuộc vào Hoa Kỳ
Hoa Kỳ đã thiết lập sự cai trị Philippines từ năm 1898, khi nước này mua lại Phlippines từ Tây Ban Nha, cho đến khi Hoa Kỳ chính thức công nhận nền độc lập của Philippines vào năm 1946.
Khoảng bốn triệu người gốc Philippines đang sống ở Hoa Kỳ, một trong những dân tộc thiểu số lớn nhất của Mỹ, và khoảng 220.000 người Mỹ, nhiều người trong số họ là cựu chiến binh, đang sinh sống tại Philippines. Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mỗi năm có 650.000 lượt khách từ Mỹ tới Philippines.
Quân đội Mỹ-Phil trong một lần tập trận chung. Ảnh: Reuters |
Theo một nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Pew năm ngoái, Philippines là nước phụ thuộc vào Hoa Kỳ nhất trên thế giới.
Mặc dù chia sẻ lịch sử, nhưng Philippines đang có một phong trào dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ, đặt ra câu hỏi về liên minh với Hoa Kỳ. Năm 1991, Chính phủ Philippines đã yêu cầu Washington phải rút khỏi cơ sở hải quân Subic Bay và các căn cứ không quân Clark ở gần đó.
Nhưng khi những căng thẳng gia tăng với Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, Philippines đã ký một Hiệp định Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (EDCA) với Hoa Kỳ trong năm 2014, qua đó cho phép Washington gia tăng sự hiện diện quân sự thông qua các hoạt động luân chuyển tàu và máy bay đối với an ninh, nhân đạo và hoạt động hàng hải.
Tuy nhiên, Duterte đã cho biết thỏa thuận này sẽ được xem xét lại và ông nhấn mạnh rằng Philippines, nước nhận nguồn viện trợ lớn thứ 3 của Mỹ tại châu Á , chỉ sau Pakistan và Afghanistan, có thể tự làm mọi thứ mà không cần đến sự trợ giúp của Mỹ.
Duterte đã tỏ rõ ý nghiêng về phía Trung Quốc vào hôm thứ Ba trong một chuyến thăm cấp nhà nước tới Bắc Kinh, chuyến thăm này rất có thể sẽ thay đổi các liên minh trong khu vực.
Các quan chức chính phủ Philippines đã tìm cách giảm nhẹ ý kiến của Duterte.
"Tổng thống muốn khuyến khích người dân Philippines được độc lập hơn", phát ngôn viên chính phủ Ernesto Abella cho biết. "Ủng hộ Philippines không có nghĩa là chống Mỹ."
Tuy nhiên, tâm trạng u sầu, ảm đạm tại quán bar Dynamite Dick ở Olongapo đã giảm bớt trong thời gian gần đây.
Edward Pooley, một cựu đại tá Thủy, người đã sống ở Philippines trong gần 30 năm, cho biết những lời nói của Duterte làm ông "đau lòng", nhưng ông vẫn lạc quan về mối quan hệ song phương lâu dài.
"Chúng tôi đã luôn luôn thực hiện rất nhiều hoạt động Từ thiện và ... chúng tôi cảm thấy mình được đánh giá cao. Đừng bỏ chúng tôi," ông nói.
Thị trưởng của thành phố 220.000 dân này, Rolen Paulino, cho biết người dân của ông rất "thân Mỹ", nhưng ông cũng ủng hộ sự thay đổi của Duterte trong Chính sách đối ngoại.
"Nếu tổng thống muốn mời Nga và Trung Quốc ... Tôi sẽ dạy người dân tiếng Nga và Trung Quốc bởi vì chúng tôi phải thích nghi", Paulino nói.
Nhưng nhiều người trong cộng đồng doanh nghiệp phần lớn cho rằng tất cả chỉ là thuật hùng biện khoa trương của Duterte và thấy thoải mái vì thực tế là ông ấy vẫn chưa chuyển lời nói thành hành động.
Ngành cung ứng quy trình kinh doanh (BPO) - dự kiến sẽ chiếm 9% của GDP trong năm nay - phần lớn vẫn lạc quan về sự tăng trưởng ở Philippines.
"Tất cả chỉ là lời nói, có những câu hỏi đang được đặt ra sau những phát biểu của Duterte," Danilo Reyes, quản lý các hoạt động tại nước ngoài của Genpact, một trong những công ty BPO lớn nhất Mỹ nói. "Nhưng không có hành động thực sự nào cả, chúng tôi đang tiếp tục mở rộng."
Quý Vũ (Reuters)