Đầu 2019, trên một số mạng xã hội, trong đó có WhatsApp, cũng như diễn đàn lan truyền một trào lưu có tên "Thử thách Momo" (Momo Challenge), được cho là có nguồn gốc từ Anh. Cụ thể, một người phụ nữ có hình hài đầu người, mình gà, tóc đen, mắt lồi sẽ hướng dẫn người dùng cách tự làm hại bản thân.
Theo Telegraph, "Thử thách Momo" bị phát hiện chèn bên trong một số video không chính thức, có nội dung lấy lại từ kênh hoạt hình Peppa Pig và game Fortnite từ cuối tháng 2. Điều đáng lo ngại là chúng hướng dẫn cách để một người tự làm hại bản thân, thậm chí tự tử. Nhiều phụ huynh lo lắng chúng sẽ ảnh hưởng đến con em họ, do hình ảnh đáng sợ này xuất hiện trong clip có nội dung trẻ em (chỉ YouTube, không có ở YouTube Kids), lại rất khó kiểm duyệt bởi chỉ xuất hiện thời gian rất ngắn.
Báo Independent của Anh còn cho biết, một số trường học tại nước này đã cảnh báo về trào lưu nguy hiểm, đồng thời khuyến cáo phụ huynh không nên để con em tự xem YouTube một mình.
Trước khi trào lưu tiêu cực này có thể lan rộng hơn nữa, nhà điêu khắc 43 tuổi Keisuke Aiso, người đã tạo ra nhân vật kinh dị Momo cho biết anh đã phá hủy tác phẩm của mình. Một nữ nghệ sĩ khác ở Nhật Bản gần đây đã bị nhầm là tác giả của Momo và nhận những lời đe dọa kiểu như "đi chết đi". Bản thân Keisuke Aiso cũng nhận được những tin nhắn chì chiết tương tự.
Aiso nói rằng bản thân cảm thấy có trách nhiệm khi hình ảnh của Momo được dùng để hù dọa mọi người trong trào lưu "Thử thách Momo".
Momo thực tế là tác phẩm có tên gốc Mother Bird, được chế tác vào năm 2016, trưng bày trong một triển lãm nghệ thuật ở Tokyo, Nhật Bản về những câu chuyện kinh dị. Cái tên Momo chỉ bắt đầu xuất hiện khi hình ảnh Mother Bird được lan truyền trên mạng.
Theo The Sun, Keisuke cho biết anh đã vứt bỏ tác phẩm điêu khắc của mình, vốn được làm từ cao su và dầu tự nhiên, vào mùa thu 2018.
"Nó đã mục nát rồi nên tôi đã vứt nó đi. Mọi người, những đứa trẻ giờ có thể yên tâm bởi Momo đã chết và lời nguyền sẽ biến mất", Aiso nói. Anh đồng thời cho biết cảm thấy đau lòng vì sáng tạo của mình lại gây tiêu cực cho trẻ em.
"Bản thân tôi có một chút mâu thuẫn. Những thứ tiêu cực đang xảy ra khiến tôi cảm thấy buồn bực, song là một nghệ sĩ, tôi cũng có chút phấn khích khi đứa con tinh thần phổ biến trên khắp thế giới", anh nói. "Đó cũng không phải là kiệt tác gì, nên tôi bất ngờ khi nó nổi tiếng".
"Tôi tạo ra nó vào ba năm trước. Lúc nó còn ở trong phòng trưng bày, tôi rất thất vọng vì không nhận được nhiều sự chú ý. Đến khi Momo nổi tiếng, tôi rất vui nhưng niềm vui không đã kéo dài lâu".
Keisuke Aiso cho biết cảm hứng đằng sau nhân vật kinh dị này là một câu chuyện ma nổi tiếng của Nhật Bản. Nội dung kể về một người phụ nữ chết sau khi sinh con, cô hóa thành chim ám ảnh người dân làng nơi ngày xưa mình sinh sống.