Hôm 17/9, Tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo đã tung một video lên mạng, cảnh báo Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng họ sẽ giết bộ binh Mỹ và “cuộc chiến chỉ mới bắt đầu”.
Tiếng nói nước Nga cho biết, đoạn video tung lên mạng có cảnh các binh sĩ Mỹ trên chiến trường, biểu ngữ “sứ mạng hoàn tất” của Tổng thống George W. Bush chỉ vài tuần sau khi Mỹ can thiệp quân sự vào Iraq hồi năm 2003 và cảnh sát tại Nhà Trắng về đêm.
Trong đoạn video này còn có giọng nói của ông Obama: “Bộ binh Mỹ sẽ không trở lại chiến đấu ở Iraq”, rồi màn hình tối đen và một tay súng IS chuẩn bị giết chết những người đàn ông đang quỳ gối. Sau đó, dòng chữ “Ngọn lửa chiến tranh”, “Cuộc chiến chỉ mới bắt đầu” xuất hiện. Đoạn video kết thúc với dòng chữ “còn tiếp” và nó đã bị gỡ khỏi YouTube.
Theo các phương tiện truyền thông địa phương, video mà những người cực đoan gọi là "Ngọn lửa chiến tranh" được các bình luận viên địa phương đánh giá là lời cảnh báo dành cho Washington
Trước đó, hôm 12/9, Mỹ đã tuyên bố đang trong tình trạng chiến tranh với IS. Mặc dù ông Obama hồi tuần rồi nói sẽ tiêu diệt IS và không điều bộ binh đến Iraq, nhưng một quan chức cấp cao của quân đội Mỹ tiết lộ việc điều động bộ binh tiêu diệt IS vẫn là một lựa chọn đang được cân nhắc.
Nhà nước Hồi giáo hôm 17/9 đã tung video cho thấy sẵn sàng chiến đấu với Mỹ
Các chuyên gia về những phần tử cực đoan tin rằng IS đang lợi dụng việc Mỹ tuyên bố tiêu diệt tổ chức này để chiêu mộ thêm thành viên và tăng cường sức mạnh trước khi Washington hay liên minh do Mỹ đứng đầu công kích IS.
Theo tờ Daily Star, nhóm chiến binh Nhà nước Hồi giáo nhanh chóng lập ra mạng lưới trú ẩn dưới lòng đất ở Bắc và Đông Syria. Các chiến binh rút khỏi trại cũ trong thung lũng Euphrates, các trạm chỉ huy biến mất khỏi đường phố Raqqa, Abu Kemal và Maedina. Các nhân chứng nói rằng tất cả vũ khí hạng nặng và kho tàng của nhóm chiến binh này đã phân tán và chuyển đến các địa điểm khác nhau. Gia đình các chiến binh đưa đến khu vực an toàn, tránh xa các thành phố mà họ chiếm giữ.
Thời gian qua, IS đã khiến dư luận thế giới bàng hoàng, phẫn nộ khi liên tiếp tung 3 video hanh quyết các con tin phương Tây, bao gồm hai nhà báo Mỹ và một nhân viên cứu trợ người Anh. Trước Quốc hội ngày 17/9, Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) James Comey cho biết IS và các tổ chức Hồi giáo cực đoan khác “có thể tiếp tục bắt giữ công dân Mỹ làm con tin để buộc chính phủ Mỹ phải nhượng bộ”.
Theo BBC, kể từ tháng 8 đến nay, Mỹ đã thực hiện tổng cộng 162 cuộc không kích trên khắp Iraq. Giới chức Mỹ cho biết, đợt không kích mới nhất diễn ra trong hai ngày 14 và 15.9, thể hiện cam kết của Tổng thống Obama là “tấn công IS ở bất cứ nơi đâu”.
Trong khi đó, ngày 16.9, các điều tra viên tội ác chiến tranh về Syria của Liên Hợp Quốc (LHQ) cảnh báo các cường quốc thế giới phải tôn trọng các nguyên tắc chiến tranh, theo đó yêu cầu họ bảo vệ dân thường và tính tương xứng trong các cuộc tấn công IS.
Trước đây, Mỹ chỉ không kích ở Iraq để bảo vệ lợi ích và công dân Mỹ, giúp đỡ người tị nạn Iraq và đảm bảo an toàn cho cơ sở hạ tầng của nước này.
Tuy nhiên, với sự lan rộng như hiện nay, IS đã trở thành mối đe dọa toàn cầu, khiến nhiều quốc gia đồng thuận, cam kết cùng chống lại IS. Phần lớn các nước tham gia hội nghị quốc tế chống IS diễn ra ở Paris đều cho rằng, cùng với những biện pháp quân sự, cần phải đề cập các biện pháp ngoại giao để mở ra cánh cửa hợp tác với Syria, nơi nhóm phiến quân IS đang kiểm soát một phần lãnh thổ. Tuy nhiên, quan điểm này đã bị Mỹ và một số nước châu Âu bác bỏ.
Yên Yên (Tổng hợp)
Theo Người đưa tin