Trong tuyên bố chung sau cuộc hội đàm ở Tokyo hôm 4/6, Tổng thống Philippines Benigno Aquino và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đồng thuận phản đối những hoạt động cải tạo đất và thay đổi hiện trạng trên Biển Đông.
Cả Tổng thống Philippines Aquino và Thủ tướng Nhật Abe khẳng định cam kết mạnh mẽ của hai nước về việc đảm bảo an toàn và an ninh hàng hải nói chung, trong đó có ở Biển Đông.
"Chúng tôi chia sẻ mối quan ngại nghiêm trọng về những hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông, trong đó có hoạt động cải tạo đất quy mô lớn và xây dựng các tiền đồn".
"Sự thịnh vượng của ngành hàng hải cũng như khu vực Đông Á và Đông Nam Á - vốn phụ thuộc rất lớn vào sự tự do giao thương hàng hóa và đi lại của người dân - có nguy cơ bị hủy hoại bởi các âm mưu vẽ lại ranh giới địa lý cũng như những hành động vượt các quyền hạn đã được luật pháp quy định rõ", ông Aquino nói.
Thủ tướng Abe và Tổng thống Aquino bắt tay trước cuộc hội đàm hôm 4/6. |
Theo tin tức trên Kyodo News, tuyên bố chung cũng kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, theo luật pháp. Tổng thống Aquino cũng nhấn mạnh Philippines và Nhật Bản lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ sự ổn định của khu vực vốn "bị đe dọa trong thời gian gần đây".
Trong khi đó, phát biểu trong cuộc họp báo chung, Thủ tướng Abe chỉ trích Trung Quốc về những hoạt động bồi đắp cải tạo quy mô lớn ở Biển Đông và “phản đối những nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng”.
Philippines là một trong các quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng chéo với Trung Quốc trên Biển Đông. Trong khi đó, Nhật Bản và Trung Quốc tranh chấp một nhóm đảo trên biển Hoa Đông mà Tokyo gọi là Senkaku và Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.
Hai nhà lãnh đạo ký Tuyên bố chung Tokyo. |
Thủ tướng Abe và Tổng thống Aquino còn đạt được thỏa thuận mở rộng các cuộc diễn tập và huấn luyện quân sự chung giữa quân đội hai nước và hợp tác trong việc xây dựng năng lực cho Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines.
Trước đó trong ngày, hai nhà lãnh đạo đã chứng lễ ký kết một thỏa thuận xác nhận việc cung cấp 10 chiếc tàu tuần tra cho Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines để giúp lực lượng này có thể tăng cường các cuộc tuần tra tại các hòn đảo mà nước này tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, nhưng đang bị Trung Quốc tranh chấp.
Những hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc đang ồ ạt bồi đắp các đảo nhân tạo và xây dựng nhiều công trình có thể nhằm mục đích quân sự ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bắc Kinh được cho là đã mở rộng đến 800 hecta đảo nhân tạo, bất chấp phản đối của các bên liên quan và quốc tế.
Yên Yên (Kyodo News)