Thống nhất mức thu phí đăng ký cư trú trên cả nước
Thông tư 75/2022/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí đăng ký cư trú do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, có hiệu lực từ ngày 05/02/2023.
Theo đó, mức thu đăng ký thường trú là 20.000 đồng/lần đối với công dân nộp hồ sơ trực tiếp và 10.000 đồng/lần với công dân nộp hồ sơ online.
Đối với đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú cho cá nhân, hộ gia đình thì mức phí lần lượt là 15.000 đồng/lần với công dân nộp hồ sơ trực tiếp và 7.000 đồng/lần với công dân nộp hồ sơ online.
Trường hợp đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú theo danh sách thì mức thu lần lượt là 10.000 đồng/người/lần khi nộp hồ sơ trực tiếp và 5.000 đồng/người/lần khi nộp hồ sơ online.
Ngoài ra, mức thu khi công dân tách hộ là 10.000 đồng/lần khi nộp hồ sơ trực tiếp và 5.000 đồng/lần khi nộp hồ sơ online.
Trước đó, mức thu lệ phí đăng ký cư trú do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương với nguyên tắc mức đăng ký cư trú tại thành phố trực thuộc Trung ương cao hơn mức thu đối với các khu vực khác.
Quy định về thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án
Pháp lệnh 03/2022/UBTVQH15 về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân có hiệu lực từ ngày 01/02/2023 và thay thế Pháp lệnh 09/2014/UBTVQH13 .
Trong đó quy định đối với những vụ việc đã được Tòa án nhân dân cấp huyện thụ lý, giải quyết theo quy định tại Pháp lệnh 09/2014 nhưng đến ngày 01/02/2023 chưa kết thúc thì tiếp tục áp dụng quy định của Pháp lệnh 09/2014 để xem xét, giải quyết cho đến khi kết thúc vụ việc, trừ các nội dung sau đây thì áp dụng quy định của Pháp lệnh 03/2022/UBTVQH15:(1) Các quy định bảo đảm thủ tục thân thiện đối với người chưa thành niên tại khoản 1 và khoản 3 Điều 2, khoản 1 Điều 10, khoản 2 và khoản 3 Điều 13, khoản 3 Điều 18, điểm e khoản 3 và khoản 4 Điều 21, điểm d khoản 4 Điều 34, khoản 1 và điểm đ khoản 3 Điều 35 của Pháp lệnh 03/2022/UBTVQH15; (2) Việc đình chỉ xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính quy định tại điểm h khoản 1 Điều 16 của Pháp lệnh 03/2022/UBTVQH15; (3) Việc áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng; (4) Các quy định khác của Pháp lệnh này có lợi cho người bị đề nghị.
Đối với những vụ việc đã được Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết theo quy định của Pháp lệnh 09/2014/UBTVQH13 mà có khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị thì từ ngày 01/02/2023 Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết theo Pháp lệnh 09/2014/UBTVQH13, trừ các nội dung quy định tại các điểm (1), (2), (3), (4) thì áp dụng quy định của Pháp lệnh 03/2022/UBTVQH15 .
Bổ sung trường hợp tổ chức tín dụng không phải đáp ứng tỉ lệ nợ xấu dưới 3% khi mua nợ
Đây là điểm mới tại Thông tư 18/2022/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 09/2015/TT-NHNN quy định về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước, có hiệu lực từ ngày 09/02/2023.
Cụ thể, trường hợp tổ chức tín dụng không phải đáp ứng tỉ lệ nợ xấu dưới 3% khi mua nợ gồm:
Tổ chức tín dụng (TCTD) được kiểm soát đặc biệt thực hiện mua nợ đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 2 Điều 146a Luật Các tổ chức tín dụng;
TCTD được kiểm soát đặc biệt thực hiện mua nợ đủ tiêu chuẩn của tổ chức tín dụng hỗ trợ theo phương án phục hồi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt đã được phê duyệt theo quy định tại khoản 1 Điều 148b Luật Các tổ chức tín dụng;
Ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc mua nợ đủ tiêu chuẩn của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc theo phương án chuyển giao bắt buộc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
Các trường hợp mua nợ quy định tại điểm a(ii), a(iii) khoản 6 Điều 5 Thông tư 09/2015/TT-NHNN (sửa đổi tại Thông tư 18/2022/TT-NHNN ), cụ thể: TCTD hỗ trợ mua lại khoản nợ đã bán cho TCTD được kiểm soát đặc biệt theo phương án phục hồi TCTD được kiểm soát đặc biệt đã được phê duyệt theo quy định tại khoản 6 Điều 148đ Luật Các tổ chức tín dụng; TCTD nhận chuyển giao bắt buộc mua lại khoản nợ đã bán cho ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc theo quy định tại điểm c khoản 12 Điều 5 Thông tư 09/2015/TT-NHNN (sửa đổi tại Thông tư 18/2022/TT-NHNN ).
Chủ xe được tra cứu thông tin đăng kiểm online
Thông tư 28/2022/TT-BGTVT quy định về quản lý, duy trì, chia sẻ và đảm bảo an toàn thông tin dữ liệu đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành, có hiệu lực từ ngày 01/02/2023.
Theo Điều 9 Thông tư số 28/2022/TT-BGTVT, cơ quan quản lý dữ liệu đăng kiểm là Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu đăng kiểm phương tiện vào cơ sở dữ liệu dùng chung của Bộ Giao thông Vận tải.
Đối tượng được cung cấp, chia sẻ dữ liệu đăng kiểm bao gồm: Chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện hợp pháp, các cơ quan phục vụ công tác quản lý Nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác khi có yêu cầu.
Việc chia sẻ dữ liệu thực hiện thông qua nền tảng tích hợp dữ liệu của Bộ Giao thông Vận tải, kết nối trực tiếp giữa hệ thống nơi quản lý và nơi sử dụng dữ liệu, tra cứu trực tuyến trên trang điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam, cung cấp thông tin bằng văn bản.
Tăng hệ số trượt giá BHXH năm 2023
Để bù đắp sự mất giá của đồng tiền cho những người đóng BHXH ở các thời kỳ trước, hàng năm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đều điều chỉnh lại mức điều chỉnh tiền lương, thu nhập đã đóng BHXH (còn gọi là hệ số trượt giá).
Có hiệu lực từ ngày 20/02/2023, Thông tư 01/2023/TT-BLĐTBXH đã công bố hệ số trượt giá mới.
Cụ thể, tiền lương tháng đã đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm sẽ bằng tổng tiền lương tháng đóng BHXH của từng năm nhân với mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng. Trong đó, mức điều chỉnh cho những năm đóng BHXH trước năm 1995 là 5,26; năm 1995 là 4,46; các năm tiếp theo từ 4,42 (năm 1996) xuống còn 1,00 (năm 2022).
Theo mức điều chỉnh nêu trên, một người đóng BHXH đủ điều kiện hưởng lương hưu vào năm 2023, mức hưởng lương hưu hàng tháng của người này sẽ phụ thuộc vào tỉ lệ hưởng lương hưu và mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Khi đó, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH sẽ chính là tổng số tiền lương tháng đã đóng BHXH sau khi điều chỉnh chia cho tổng số tháng đã đóng BHXH.
Tương tự những người đóng BHXH bắt buộc, với những người đóng BHXH tự nguyện thì thu nhập đã tính đóng BHXH cũng sẽ được điều chỉnh để bù trượt giá.
Thông tư 01/2023/TT-BLĐTBXH chính thức có hiệu lực từ ngày 20/2/2023, tuy nhiên các quy định nêu trên sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2023.
Sửa quy định về các trường hợp lãnh BHXH 1 lần
Có hiệu lực từ ngày 15/02/2023, Thông tư 18/2022/TT-BYT của Bộ Y tế đã sửa hướng dẫn về các trường hợp mắc bệnh được hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần như sau: Ngoài trường hợp đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS quy định tại điểm c khoản 1 Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội, người mắc các bệnh, tật có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Theo đó, người lao động sẽ được hưởng BHXH 1 lần nếu thuộc một trong 2 diện sau:
Thứ nhất, đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS.
Trước đây, người lao động thuộc trường hợp này còn phải đồng thời không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.
Thứ hai, người mắc các bệnh, tật có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc.
Quy định mới về mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài
Thông tư 20/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức, cá nhân có hiệu lực từ ngày 15/2/2023.
Trong đó, tại Điều 13 Thông tư 20/2022/TT-NHNN quy định cụ thể mức ngoại tệ mua, chuyển, mang ra nước ngoài cho mục đích chuyển tiền một chiều của người cư trú là công dân Việt Nam.
Theo đó, mức ngoại tệ mua, chuyển, mang ra nước ngoài cho các mục đích học tập, chữa bệnh quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định số 70/2014/NĐ-CP được căn cứ vào các chi phí tại thông báo của phía nước ngoài.
Trường hợp không có thông báo của nước ngoài về các chi phí sinh hoạt và các chi phí khác có liên quan đối với các mục đích học tập, chữa bệnh, ngoài tiền học phí, viện phí và các chi phí khác đã được phía nước ngoài thông báo, các ngân hàng được phép quyết định mức mua, chuyển, mang thêm ngoại tệ cho các mục đích trên theo quy định tại điểm a, b khoản 4 Điều này.
Mức ngoại tệ mua, chuyển, mang ra nước ngoài cho các mục đích đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định số 70/2014/NĐ-CP do ngân hàng được phép quyết định trên cơ sở nhu cầu hợp lý của cá nhân và theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều này.
Mức ngoại tệ mua, chuyển ra nước ngoài cho mục đích trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài quy định tại điểm c khoản 2 Điều 7 Nghị định số 70/2014/NĐ-CP được căn cứ vào các chi phí tại thông báo của phía nước ngoài.
Mức ngoại tệ mua, chuyển ra nước ngoài cho mục đích trợ cấp thân nhân đang ở nước ngoài quy định tại điểm d khoản 2 Điều 7 Nghị định số 70/2014/NĐ-CP được thực hiện theo quy định sau: Các ngân hàng được phép quyết định mức ngoại tệ mua, chuyển trên cơ sở nhu cầu hợp lý của cá nhân và phù hợp với mục đích hỗ trợ chi phí sinh hoạt, ổn định cuộc sống của người được trợ cấp ở nước ngoài; mức ngoại tệ mua, chuyển cho một người được hưởng trợ cấp ở nước ngoài trong một năm không vượt quá thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành của nước nơi người được trợ cấp đang sinh sống. Định kỳ hàng năm, ngân hàng được phép cập nhật số liệu về thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành của các nước được công bố tại thời điểm gần nhất trên trang tin điện tử của Ngân hàng Thế giới (World Bank) để làm cơ sở xác định mức ngoại tệ mua, chuyển cho mục đích trợ cấp thân nhân ở nước ngoài; việc mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài cho mục đích trợ cấp thân nhân không áp dụng đối với trường hợp thân nhân đang học tập, chữa bệnh, công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài.
Mức ngoại tệ mua, chuyển ra nước ngoài cho mục đích chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 7 Nghị định số 70/2014/NĐ-CP căn cứ vào giá trị tài sản mà người hưởng thừa kế được hưởng theo quy định pháp luật về thừa kế.
Mức ngoại tệ mua, chuyển ra nước ngoài cho mục đích chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài quy định tại điểm e khoản 2 Điều 7 Nghị định số 70/2014/NĐ-CP căn cứ vào giá trị tài sản của người đi định cư được hình thành tại Việt Nam trước khi nhập quốc tịch nước ngoài hoặc trước khi được phép cư trú ở nước ngoài cho mục đích định cư theo quy định của nước sở tại.
Trường hợp chuyển tiền để thanh toán các chi phí liên quan đến thủ tục xin định cư ở nước ngoài (không bao gồm giá trị đầu tư để được phép có quốc tịch hoặc được định cư ở nước ngoài), mức ngoại tệ mua, chuyển ra nước ngoài được căn cứ vào các chi phí tại thông báo của phía nước ngoài.
Xuyên tạc lịch sử trên phim sẽ bị phạt đến 100 triệu đồng
Nghị định 128/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa và quảng cáo có hiệu lực từ ngày 15/2. Nghị định 128/2022/NĐ-CP đã sửa đổi một số quy định về xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động điện ảnh tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP.
Cụ thể, phạt tiền 40-50 triệu đồng đối với cá nhân (80-100 triệu đồng đối với tổ chức) có các hành vi như: Xuyên tạc lịch sử dân tộc, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc, danh nhân; thể hiện không đúng, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân, trừ trường hợp xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về an ninh mạng…
Đồng thời, đình chỉ các hoạt động sản xuất phim tại Việt Nam; phát hành phim; phổ biến phim; quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh 1-3 tháng. Buộc cải chính thông tin sai sự thật, xin lỗi cá nhân bằng văn bản…
Quy định về kiểm tra hoạt động điện lực, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện
Thông tư 42/2022/TT-BCT quy định về kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/2/2023.
Theo đó, việc kiểm tra hoạt động điện lực, sử dụng điện của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền được tiến hành theo các hình thức: kiểm tra theo kế hoạch (có thông báo trước cho bên được kiểm tra hoặc kiểm tra thường xuyên của Đơn vị điện lực) và kiểm tra đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; khi có phản ánh của tổ chức, cá nhân về các dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật hoặc phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hoạt động điện lực, sử dụng điện, bảo vệ an toàn công trình điện lực và lưới điện.
Ngoài ra, khi tiến hành kiểm tra, đơn vị chủ trì kiểm tra phải thành lập tổ kiểm tra hoặc đoàn kiểm tra gồm ít nhất 03 thành viên, có tổ trưởng hoặc trưởng đoàn kiểm tra; trong tổ hoặc đoàn kiểm tra ít nhất phải có 01 Kiểm tra viên điện lực. Việc kiểm tra phải được tiến hành với sự có mặt của đại diện bên được kiểm tra. Trường hợp đại diện bên được kiểm tra vắng mặt, bên kiểm tra phải mời ít nhất 01 người chứng kiến có đầy đủ năng lực hành vi dân sự hoặc đại diện chính quyền địa phương hoặc công an để chứng kiến việc kiểm tra.
Trường hợp đột xuất phải vào địa điểm của khách hàng để kiểm tra sử dụng điện trong khoảng thời gian từ 22 giờ 00 đêm ngày hôm trước đến 06 giờ 00 sáng hôm sau, bên kiểm tra phải phối hợp với chính quyền địa phương hoặc công an để chứng kiến việc kiểm tra và tiến hành kiểm tra theo quy định.
Người trồng lúa sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí áp dụng giống mới
Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, địa phương sẽ quyết định thực hiện sử dụng không thấp hơn 50% kinh phí dùng hỗ trợ cho người trồng lúa để áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, Công nghệ mới trong sản xuất lúa.
Phần kinh phí còn lại để thực hiện các việc gồm phân tích chất lượng hóa, lý tính của các vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao định kỳ 10 năm để sử dụng hiệu quả và có biện pháp cải tạo phù hợp.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/2/2023.
Tiêu chí xác định linh kiện được miễn thuế nhập khẩu
Có hiệu lực từ ngày 15/2/2023, Thông tư 25/2022/TT-BTTTT ban hành ngày 31/12/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông, quy định việc xác định nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu được miễn thuế nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, nội dung số, phần mềm.
Thông tư này quy định, nguyên liệu, vật tư, linh kiện được miễn thuế nhập khẩu cho hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, nội dung số, phần mềm đáp ứng các tiêu chí sau đây:
Tiêu chí thứ nhất, là nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm phần mềm và phần cứng, điện tử quy định tại Thông tư số 09/2013/TT-BTTTT ngày 08/4/2013 ban hành danh mục sản phẩm phần mềm và phần cứng, điện tử và Thông tư số 20/2021/TT-BTTTT ngày 03/12/2021 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 09/2013/TT-BTTTT ngày 08/4/2013 ban hành danh mục sản phẩm phần mềm và phần cứng, điện tử; hoặc thuộc danh mục sản phẩm nội dung số theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Căn cứ vào tình hình phát triển và Chính sách quản lý trong từng thời kỳ, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cập nhật, điều chỉnh các danh mục cho phù hợp;
Tiêu chí thứ hai, không thuộc Danh mục máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư, linh kiện ngành viễn thông - công nghệ thông tin, nội dung số, phần mềm trong nước đã sản xuất được tại phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư số 05/2021/TT-BKHĐT ngày 17/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành các danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được.
Hồ sơ, thủ tục miễn thuế thực hiện theo quy định tại Điều 30, Điều 31 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu).