(Tinmoi.vn) Họ là những thuyền viên, giáo viên, học sinh, thợ lặn... những người đã dũng cảm hi sinh bản thân, dành quyền sống cho những hành khách khác trên chuyến phà xấu số.
Trong không khí tang thương bao trùm khắp Hàn Quốc 8 ngày qua, tấm gương xả thân cứu người của những "anh hùng thầm lặng" luôn được ca ngợi và nhớ đến. Họ có đủ khả năng để thoát khỏi chiếc phà đang chìm dần, nhưng thay vì lo cho bản thân, họ đã nghĩ đến người khác nhiều hơn.
Park Ji-young, một thuyền viên phục vụ trên phà đã chết sau khi dũng cảm cứu sống nhiều hành khách khi phà Sewol bị chìm ngoài khơi bờ biển phía tây nam hôm 16/4. Cô đã được chôn cất vào hôm 22/4. Hàng chục người từ tất cả các tầng lớp xã hội mặc dù chưa từng một lần gặp cô nhưng họ vẫn xuất hiện trong đám tang, tỏ lòng tôn kính, xếp hàng chờ đợi trong dòng người trước bàn thờ tưởng niệm cô trong 3 ngày để nói lời cảm ơn và vĩnh biệt cô.
Những người sống sót sau vụ tai nạn và học sinh từ trường Danwon cũng đến vĩnh biệt cô. Hội trường dẫn đến bàn thờ của Park đã được lót bằng vòng hoa được gửi từ những người vô danh với các dòng chữ "Một công dân Hàn Quốc", "Tôi sẽ nhớ đến sự hi sinh của bạn".
Một người đàn ông quỳ khóc tại nơi tưởng niệm các nạn nhân
Trong khi thuyền trưởng và nhiều thuỷ thủ khác vội vã thoát khỏi con tàu chìm, Park vẫn ở lại bên trong giúp đỡ hành khách cho đến khi họ được rời khỏi một cách an toàn. Cho đến nay, khoảng 30.000 người đã ký vào bản kiến nghị để tôn vinh sự hy sinh cao quý của cô.
Nam Yoon-cheol, một giáo viên trường trung học Danwon, người đi cùng các sinh viên đã cố gắng hết mình để đảm bảo các học sinh ông quản lý đều được mặc áo phao khi phà lật. Ông trấn an những học sinh đang sợ hãi và hướng dẫn họ những biện pháp an toàn. Thay vì rời khỏi phà ngay sau đó, ông đã quyết định đi xuống tầng dưới một lần nữa để tìm kiếm các học sinh đang bị mắc kẹt ở dưới do thuyền trưởng yêu cầu họ không được di chuyển. Ông đã ra sức đẩy họ ra khỏi con chiếc phà cho đến khi nước ngập đầu người.
Thi thể của thầy Nam Yoon-cheol đã được phát hiện nổi trên mặt biển, xung quanh vị trí chìm phà hôm 17/4.
Mỗi ngày, có hàng trăm lượt người đổ về nơi đây để tưởng nhớ các nạn nhân xấu số
Park Ho-jin, một trong những học sinh của thầy Nam Yoon-cheol, chỉ rời khỏi tàu sau khi cứu thoát một bé gái 5 tuổi bị kẹt dưới máy bán hàng tự động. "Còn một đứa bé ở đây", cậu vừa la lớn vừa khóc khi đu mình trên lan can của chiếc phà chìm. Park chỉ rời khỏi phà sau khi nhìn thấy cô bé được an toàn trên một chiếc xuồng cứu sinh. Cậu học sinh 17 tuổi nói: "Cha tôi mất khi tôi 4 tuổi và tôi không thể bỏ lại một cô bé đang khóc vì mất cha mẹ".
Hàng trăm thợ lặn hải quân và dân sự vẫn đang dò dẫm trong làn nước biển lạnh ngắt và tối tăm để tìm kiếm thi thể các nạn nhân. Hôm 22/4, một thợ lặn đã được đưa đi cấp cứu vì tê liệt. Hơn 500 thợ lặn dân sự đã đổ dồn về khu vực chìm phà để hỗ trợ cơ quan chức năng. Trong khi đó, hơn 2000 tình nguyện viên đang có mặt để chuẩn bị bữa ăn, chăm sóc gia đình các nạn nhân. Văn phòng chính phủ trong khu vực đang ngập trong những cuộc gọi từ những người ngỏ ý cung cấp vật tư và hỏi làm thế nào họ có thể giúp đỡ.
Một thợ lặn dân sự tình nguyện tham gia tìm kiếm các nạn nhân dưới biển
Học sinh trung học ở Suwon đã gọi để hỏi gia đình các nạn nhân đang cần gì và họ lập tức gửi đến 10 thùng bàn chải đnáh răng, kem đánh răng, cốc giấy. Thanh niên từ nhiều nơi trên đất nước đã gửi khăn, xà phòng và quần áo lót. Tất cả họ đều cùng chung tâm nguyện các học sinh bị mắc kẹt bên trong phà Sewol có thể Bình An trở về.
Hơn một tuần đã trôi qua kể từ khi Hàn Quốc chìm trong thảm họa tàn khốc khiến hàng trăm người chết. Nhiều người cảm thấy xấu hổ khi những gì đất nước họ có thể làm để cứu người là quá ít, họ giận dữ trước thất bại của hệ thống phải chịu trách nhiệm về thảm kịch này. Nhưng thời gian qua, những hành động hi sinh quả cảm của những "người hùng thầm lặng" như Park Ji-young, Nam Yoon-cheol và Park Ho-jin lại mang đến ánh sáng, sự ấm áp và làm dịu đi những đau thương, mất mát nơi đây.
Yên Yên (Theo Chosun Ilbo)