Uống quá nhiều nước: Theo Trung tâm truyền thông sức khỏe Trung ương, uống nước nhiều trong một thời gian ngắn sẽ khiến máu loãng ra, làm tăng gánh nặng cho tim. Điều này sẽ rất nguy hiểm nếu bạn vừa tập thể dục, chạy, làm việc nặng... Thêm vào đó, trong những ngày nắng nóng, cơ thể đổ mồ hôi nhiều, uống quá nhiều nước trong một thời gian ngắn sẽ làm tăng tiết mồ hôi và tăng thêm sự mất các chất điện giải như natri, kali nên càng có cảm giác khát nhiều hơn.
Uống quá ít nước: Những ngày hè nắng nóng, cơ thể chúng ta sẽ tiết ra nhiều mồ hôi để hạ thân nhiệt. Điều này có thể sẽ khiến nhiều người khó chịu và hạn chế uống nước. Tuy nhiên, nếu cơ thể thiếu nước, bạn sẽ cảm thấy người mệt mỏi, chóng mặt, trí óc lờ mờ, thiếu tập trung,..., theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ.
Uống nước lạnh khi vừa đi nắng về: Đồ uống lạnh có thể khiến nhiệt độ trong cơ thể bị thay đổi đột ngột, có thể dẫn đến tình trạng sốc nhiệt, với triệu chứng là chóng mặt, buồn nôn. Trong mùa hè tốt nhất vẫn nên uống nước ở nhiệt độ thường, hoặc thi thoảng có thể sử dụng nước mát khi cơ thể ở trong trạng thái khỏe mạnh.
Uống nước thế nào là đủ: Trung bình mỗi người trưởng thành cần 6 - 8 cốc nước mỗi ngày (tương đương 1,5 lít). Nhu cầu nước còn tùy theo độ tuổi, cân nặng, thời tiết, điều kiện sinh hoạt, tình trạng lao động, tình trạng sinh lý...
Cụ thể, theo cân nặng, trẻ em từ 1 đến 10 kg có nhu cầu nước là 100ml/kg. Trẻ em từ 11 đến 20 kg cần khoảng 1.000 ml + 50 ml nước cho mỗi 10 kg cân nặng tăng lên. Trẻ từ 21 kg trở lên cần khoảng 1.500ml + 20ml/kg cho mỗi 20kg cân nặng tăng lên. Với trẻ vị thành niên, từ 10 đến 18 tuổi, nhu cầu nước là 40ml/kg.
Người từ 19 đến 30 tuổi hoạt động thể lực nặng thì nhu cầu nước là 40ml/kg; từ 19 đến 55 tuổi hoạt động thể lực trung bình nhu cầu nước là 35ml/kg. Người trưởng thành trên 55 tuổi nhu cầu nước là 30ml/kg + 15ml/kg cho mỗi 20 kg cân nặng tăng lên.