Cho rằng số tiền cáo trạng kết luận đã thu lợi bất chính là không chính xác, nữ đại gia Nguyễn Thiên Lý nói trước tòa "bị cáo khẩn thiết đề nghị xem xét lại, làm rõ bị cáo đã thu lợi bao nhiêu".
Ngày 16/1, phiên tòa xét xử Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm tiếp tục diễn ra phần tranh luận.
Đề nghị xem xét lại số tiền thu lợi
Trước khi kết thúc buổi làm việc, chủ tọa mời các bị cáo lên trình bày quan điểm tự bào chữa cho mình. Là người đầu tiên được gọi tên, bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như cho biết mình không muốn trình bày gì thêm.
Ngoài bị cáo Như, một số bị cáo khác cũng hoàn toàn đồng ý với lời bào chữa của luật sư, không bổ sung gì. Bị cáo Võ Anh Tuấn, Đào Thị Tuyết Dung đề nghị tòa xem xét lại một số tình tiết liên quan đến vai trò, trách nhiệm của mình trong vụ án.
Huỳnh Thị Huyền Như sau phiên tòa hôm nay.
Riêng phần tự bào chữa của bị cáo Nguyễn Thiên Lý khá dài. Theo cáo trạng, từ 1/12/2009 đến 14/9/2011 Nguyễn Thiên Lý đã cho Huyền Như vay tổng cộng 554 tỷ đồng và 340.000 USD. Lý đã nhận từ Như 1.296 tỷ đồng và Như vẫn còn nợ 216 tỷ đồng và 340.000 USD, Lý thu lợi bất chính 735 tỷ đồng. Quá trình điều tra đã kê biên của bị cáo khối tài sản trị giá hơn 328 tỷ đồng.
Đứng trước vành móng ngựa, nữ đại gia đề nghị tòa xem xét kỹ hơn, việc cáo trạng cho rằng bị cáo thu lợi bất chính hơn 735 tỷ đồng là không chính xác. Theo nữ đại gia thực tế còn rất nhiều tiền vốn mình bỏ ra cho Huyền Như vay nhưng không được đưa vào cáo trạng.
Những khoản tiền hàng chục tỷ đồng được nữ đại gia kể rành rọt và cho rằng còn 295 tỷ đồng tiền vốn mình bỏ ra đã không được cộng vào trong cáo trạng. Quá trình điều tra còn 440 tỷ đồng cơ quan điều tra chưa xác định được gốc bao nhiêu, lãi bao nhiêu mà đã kết luận bị cáo thu lợi bất chính 735 tỷ đồng là chưa chính xác.
Ngoài ra, nữ đại gia còn nói trước tòa: "trong cáo trạng nói bị cáo đi gặp chị Như đề nghị cho chị Như vay tiền là không đúng, gây hình ảnh xấu cho bị cáo, công kích dư luận, khiến bên ngoài hiểu lầm về bị cáo. Bị cáo khẩn thiết đề nghị xem xét, làm rõ bị cáo đã thu lợi bao nhiêu".
Vietinbank bác lại quan điểm của luật sư
Trước đó, các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các nguyên đơn dân sự, bị hại gồm công ty CP Bảo hiểm Toàn Cầu, công ty CP đầu tư An Lộc, Ngân hàng Á Châu (ACB), đại diện ngân hàng Nam Việt (Navibank), luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại Giã Thị Mai Hiên đồng loạt cho rằng Vietinbank phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án.
Luật sư của Vietinbank sau khi tranh luận lại với các đồng nghiệp.
Theo cáo trạng, từ tháng 8/2010 đến tháng 9/2011, Công ty An Lộc khi chưa ký 4 hợp đồng trị giá 170 tỷ đồng, đã chuyển vào tài khoản Vietinbank - chi nhánh TP.HCM. Sau đó, bị cáo Như làm giả lệnh chi, chiếm đoạt của An Lộc số tiền là 170,35 tỷ đồng (350 triệu đồng tiền lãi suất - PV).
Trong phần phát biểu quan điểm, VKS nhận định do chưa ký hợp đồng với Vietinbank nên giữa An Lộc và Vietinbank chưa phát sinh quan hệ giao dịch nên Vietinbank không có trách nhiệm bồi thường.
Luật sư Nguyễn Vạn Xuân cho rằng dù chưa ký hợp đồng nhưng Vietinbank thể hiện ý chí đã chấp nhận giao dịch nên mới trả 350 triệu đồng tiền lãi cho An Lộc. Do vậy, Vietinbank phải chịu trách nhiệm với hành vi do người của pháp nhân gây ra.
Đáp lại quan điểm cho rằng Vietinbank phải bồi thường, luật sư Nguyễn Thị Bắc - bảo vệ cho Vietinbank cho rằng quan điểm của VKS là hoàn toàn phù hợp. Theo luật sư Bắc, quá trình điều tra cũng như tại tòa, bị cáo Như thừa nhận do làm ăn thua lỗ, sức ép từ các đối tượng cho vay nặng lãi mới nảy sinh ý định huy động tiền của các tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt.
Từ đó, Như mới dùng các thủ đoạn gian dối, đưa ra mức lãi suất hấp dẫn khiến các đơn vị, cá nhân tin tưởng gửi tiền. Những giao dịch đó đều là do cá Như thực hiện, đều diễn ra ngoài trụ sở Vietinbank, Vietinbank không biết, nên không thể nói Vietinbank phải có nghĩa vụ bồi thường.