Việc Tổng thống Putin dỡ bỏ lệnh cấm bán hệ thống phòng thủ chống tên lửa S-300 cho Iran khiến Mỹ và một số quốc gia quyền lực khác khó chịu bởi có thể ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran.
Đối với Moscow, đây là một cách nhằm thúc đẩy thỏa thuận hạt nhân cuối cùng với Tehran. Theo Reuters, đây là một dấu hiệu ông Putin muốn thắt chặt quan hệ kinh tế với Iran.
Tổng thống Vladimir Putin
Tuy nhiên, những bên phản đối ra các điều kiện về chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy việc cắt giảm các biện pháp trừng phạt cho rằng bất kỳ thương vụ vũ khí nào của Nga là bằng chứng cho thấy mong muốn củng cố lực lượng và bảo vệ các cơ sở hạt nhân của Iran.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bày tỏ quan ngại của Washington với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov trong cuộc điện đàm hôm 13/4.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf nói: “Chúng tôi không tin rằng đó là hành vi xây dựng vào thời điểm này khi Nga có những bước đi như vậy”. Bà Marie Harf cho rằng việc bán S-300 cho Iran “gây mất ổn định trong khu vực” dù thừa nhận hành động đó của Nga không vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với chương trình hạt nhân của Iran.
Trong khi đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc Steve Warren gọi hành động của Moscow là vô ích.
Israel cũng phản đối quyết liệt động thái này. Bộ trưởng Tình báo Israel Yuval Steinitz cho rằng, việc Iran được phép trang bị cho mình bằng các loại vũ khí tiên tiến chỉ làm gia tăng sự xâm lược của Iran. Rằng đó là "kết quả trực tiếp" của "sự hợp pháp" mà Iran đang nhận được từ thỏa thuận khung hạt nhân, và là bằng chứng Iran sẽ lợi dụng việc dỡ bỏ chế tài để vũ trang chính mình hơn là cải thiện điều kiện sống của người dân.
Theo hãng TASS dẫn nguồn tin tức từ Điện Kremlin, hôm 13/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh dỡ bỏ lệnh cấm chuyển giao hệ thống phòng thủ chống tên lửa S-300 cho Iran sau khi nhóm P5+1 và Iran đạt được một thỏa thuận khung về kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran. Thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ được hoàn tất vào ngày 30.6.
Mỹ và Israel từ lâu đã phản đối việc bán S-300 cho Iran bởi điều đó sẽ phá vỡ cán cân quân sự trong khu vực.
Nga là nhà cung cấp vũ khí chủ yếu cho thế giới Ả Rập, bao gồm cả các chính phủ mà Israel không công nhận. Việc xuất khẩu vũ khí của Nga từ lâu đã khiến Israel quan tâm và tìm cách thuyết phục Moscow giảm quy mô hợp tác quân sự với Iran và Syria.
Nga đã ký một hợp đồng 800 triệu USD để bán cho Iran hệ thống S-300 vào năm 2007 nhưng sau đó đã hoãn lại sau phản đối mạnh mẽ từ Mỹ và Israel.
S-300 là một loạt các hệ thống tên lửa đất-đối-không tầm xa do Nga sản xuất. Hệ thống S-300 được phát triển để tăng cường khả năng chống máy bay và tên lửa hành trình cho lực lượng phòng không. Các biến thể sau đó được phát triển để đánh chặn cả tên lửa đạn đạo chiến thuật.
Hệ thống S-300 sẽ làm tăng đáng kể khả năng phòng không lên tới 300km kể từ biên giới của Iran, tầm xa mà Israel lo sợ các máy bay dân và quân sự của họ có thể gặp nguy hiểm.
Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, S-300 "chỉ có tính phòng thủ, không được chuyển đổi cho mục đích tấn công và và sẽ không gây nguy hiểm cho an ninh của bất kỳ nước nào trong khu vực, tất nhiên có cả Israel."
Theo Chi MK/Tổng hợp, The Financial Times