Một nữ công nhân ở Cà Mau, trong lúc phân loại rác, đã nhặt được một chiếc ví chứa đấy vòng vàng.
Cụ thể, tin tức trên báo Thanh Niên cho hay, ngày 4/8/2014, trong lúc phân loại rác, chị Phạm Tuyết Mai (35 tuổi, trú tại khóm 3, Tân Xuyên, Cà Mau) phát hiện 1 bóp da bên trong có nhiều vàng; bao gồm 1 vòng vàng, 4 dây chuyền vàng, 3 mặt dây lớn nhỏ, 10 nhẫn vàng, 3 đôi hoa tai, 1 mặt dây chuyền bị gãy; tổng cộng là 2 chỉ vàng 24K và 4,7 lượng vàng 18K. Chị liền thông báo cho những người làm cùng biết và cất đi.
Chị Mai nhặt được chiếc ví đầy vàng trong khi phân loại rác. Ảnh minh họa |
Ngay sau đó ít phút, lãnh đạo nơi chị làm việc là Nhà máy xử lý rác thải Cà Mau yêu cầu lập biên bản giữ lại số vàng. Không đồng ý với các xử lý của Nhà máy, chị Mai đã gọi công an đến để lập biên bản và thông báo tìm chủ sở hữu. Lãnh đạo nhà máy phân trần rằng: “Nếu được coi là tài sản của nhà máy thì chúng tôi cũng chia đều cho công nhân đứng cùng băng chuyền với chị Mai hôm đó".
Ngay ngày hôm đó, chị Mai bị cho nghỉ làm. 5 ngày sau thì chính thức có quyết định thôi việc. Từ đó, gia đình chị rơi vào cảnh túng quẫn. Chồng bị bệnh, con còn nhỏ nên chị là lao động chính, nay phải nai lưng ra làm đủ nghề.
Chị Phạm Tuyết Mai. Ảnh: Báo Thanh Niên |
Theo báo Pháp luật TP.HCM, đầu tháng 8/2015, Công an TP Cà Mau có văn bản thông báo nhà máy rác được nhận lại số vàng trên. Lúc này, chị Mai (đã nghỉ việc) có đơn yêu cầu nhà máy giao lại cho chị số vàng trên nhưng không được chấp nhận. Chị Mai liền khởi kiện.
Quá trình làm đơn xin nhận lại số vàng, chị Mai cũng đã nhận được văn bản trả lời của Công an TP.Cà Mau. Theo đó, cơ quan này cho biết sẽ áp dụng khoản 2, điều 241 Bộ luật Dân sự (BLDS), xác lập quyền sở hữu đối với vật do người khác đánh rơi, bỏ quên. Tức là sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận, nếu vật có giá trị đến 10 tháng lương tối thiểu do nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người nhặt được; nếu có giá trị lớn hơn 10 tháng lương tói thiểu do nhà nước quy định thì sau khi trừ chí phí bảo quản, người nhặt được hưởng giá trị bằng 10 tháng lương tối thiểu do nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá 10 tháng lương tối thiểu do nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc nhà nước.
Về phía Nhà máy rác thải Cà Mau, chiều 30/8, ông Nguyễn Tiến Tân, Giám đốc điều hành Nhà máy rác thải Cà Mau, cho biết trên báo Pháp Luật TP.HCM: nhà máy đã sung công quỹ toàn bộ gần 5 lượng vàng do một công nhân nhặt được trong lúc làm việc tại đây.
“Tài sản trong khuôn viên nhà máy là của nhà máy. Chúng tôi quy định rõ điều này trong nội quy công ty và cả trong hợp đồng với người lao động. Do đó chúng tôi không chấp nhận yêu cầu được nhận số vàng này của chị Phạm Tuyết Mai, người trực tiếp nhặt số vàng”, ông Tân khẳng định trên báo này.
Nam Nam (tổng hợp)