Dân làng tại miền nam Philippines đã tìm thấy một thi thể không đầu hôm 26/4, hai ngày sau khi các phiến quân Hồi giáo hành quyết con tin Canada.
Con tin John Ridsdel (phải) người Canada bị phiến quân Hồi giáo ở Philippines chặt đầu. Ảnh: Global News |
Công dân Canada John Ridsdel, 68 tuổi, cựu giám đốc điều hành khai mỏ đã bị các chiến binh Hồi giáo bắt giữ cùng với 3 người khác hồi tháng 9/2015 khi đi nghỉ tại một hòn đảo ở Philippines.
Trong tuần này, quân đội Philippines cho biết người ta đã phát hiện ra một cái đầu bị cắt lìa tại hòn đảo xa xôi hôm 25/4. Sự việc xảy ra sau khi thời hạn giao tiền chuộc trôi qua 5 giờ.
Người dân đã tìm thấy chiếc đầu ở trung tâm thị trấn Jolo. Một phát ngôn viên quân đội cho biết 2 người đàn ông đi xe mô tô đã thả chiếc túi chứa cái đầu xuống đó. Cảnh sát xác nhận cái đầu là của ông Ridsdel.
Ngày 27/4, phát ngôn viên quân đội Philippines, thiếu tá Filemon Tan cho biết một thi thể không đầu được tìm thấy dưới con lạch khô, gần khu rừng được ho là nơi nhóm phiến quân Abu Sayyaf hành quyết ông Ridsdel.
"Chúng tôi vẫn đang xác minh xem cơ thể này có phải của ông John Ridsdel không", ông Tan nói với các phóng viên. "Không có vết máu ở khu vực này, cho thấy thi thể có lẽ không bị chặt đầu ở đây", ông nói thêm.
Abu Sayyaf là một nhóm chiến binh nhỏ nhưng rất tàn bạo, được biết đến với các hành vi chặt đầu, bắt cóc, ném bom và tống tiền ở phía nam Philippines.
Ông Ridsdel, 68 tuổi cùng với 3 người khác, trong đó có 1 người Na Uy và một người Canada nữa, bị bắt cóc 7 tháng trước ở miền nam Philippines. Trong một video được công bố hồi tháng 3, họ đã kêu gọi gia đình và chính phủ đưa tiền chuộc để mình được tự do.
Trong đoạn video, họ cho biết các tay súng dọa chặt đầu một trong số này nếu chính phủ và gia đình không trả 300 triệu peso (khoảng 6,4 triệu USD) tiền chuộc/con tin trước ngày 25/4. Yêu cầu ban đầu là 1 tỷ peso/mỗi người.
Vài giờ sau khi Abu Sayyaf đưa ra lời đe dọa, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã lên án vụ hành quyết là "hành động giết người máu lạnh".
Abu Sayyaf hiện còn đang giữ nhiều con tin nước ngoài khác, gồm 1 người Hà Lan, 1 người Nhật Bản, 4 người Malaysia và 14 người Indonesia.
Bảo Linh (Reuters)