Nghiên cứu do các nhà khoa học tại trường Y Duke-NUS của Singapore và ĐH Chulalongkorn, Thái Lan phối hợp thực hiện, được đăng trên tạp chí Nature Communications hôm 10/2. Họ đã tìm thấy mức độ cao các kháng thể trung hòa chống virus ở dơi và tê tê tại Thái Lan. Nghiên cứu chỉ ra rằng SC2r-CoV có khả năng được phát hiện trong khu vực. Đông Nam Á với các quần thể dơi đa dạng và lớn, có thể là một điểm nóng cho các loại virus như thế này.
"Đây là một khám phá quan trọng trong việc tìm hiểu nguồn gốc của SARS-CoV-2. Nó được thực hiện nhờ ứng dụng nhanh chóng công nghệ tiên tiến thông qua sự hợp tác quốc tế minh bạch", Tiến sĩ Supaporn Wacharapluesadee đến từ Trung tâm Khoa học Sức khỏe Bệnh Truyền nhiễm mới nổi Chữ thập đỏ Thái Lan, thuộc Khoa Y của ĐH Chulalongkorn cho biết.
Trong nghiên cứu, nhóm đã kiểm tra những con dơi Rhinolophus trong một hang động ở Thái Lan. Các kháng thể trung hòa SARS-CoV-2 được phát hiện ở những con dơi cùng đàn và trên một con tê tê ở trạm kiểm soát động vật hoang dã tại miền Nam Thái Lan.
"Nghiên cứu của chúng tôi đã mở rộng sự phân bố các virus corona có liên quan đến SARS-CoV-2 theo địa lý, từ Nhật Bản, Trung Quốc cho đến Thái Lan, trong phạm vi hơn 4.800 km. Cần phải giám sát xuyên biên giới để tìm ra tiền thân của virus SARS-CoV-2 ngay lập tức", Tiến sĩ Chee Wah Tan, nghiên cứu viên cấp cao của chương trình Bệnh Truyền nhiễm mới nổi (EID) của ĐH Duke nói.
"Những nghiên cứu như thế này rất quan trọng để nâng cao hiểu biết về các loại virus có liên quan đến SARS-CoV-2 tồn tại trong tự nhiên. Nó giúp chúng ta chuẩn bị tốt hơn để chống lại các đại dịch trong tương lai vì chúng cung cấp một bản đồ chi tiết hơn về các mối đe dọa từ động vật", giáo sư Patrick Casey, người tham gia nghiên cứu nhấn mạnh.
(Theo news-medical)