Bất chấp sự cảnh cáo trước đó của Trung Quốc, Ngoại trưởng Philippines-ông Perfecto Yasay đã đề cập đến vấn đề Biển Đông cũng như phán quyết của PCA trong ngày làm việc đầu tiên tại Hội nghị ASEM 11 tổ chức tại Mông Cổ.
Hội nghị ASEM lần này có sự tham gia của 30 nước châu Âu, 21 nước châu Á và hai tổ chức Liên minh châu Âu và ASEAN. Đây là diễn đàn quốc tế diễn ra đầu tiên, sau khi Tòa trọng tài Thường trực Quốc tế PCA ra phán quyết về vụ kiện Trung Quốc của Philippines về những yêu sách chủ quyền phi lý trên khu vực Biển Đông. PCA khẳng định, Trung Quốc không có "chủ quyền lịch sử tại vùng biển này" cũng như cái được gọi là "đường chín đoạn-đường lưỡi bò" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý.
Trước khi bắt đầu hội nghị ASEM lần này, Bắc Kinh đã lên tiếng cảnh cáo Philippines về việc không nên mang vấn đề tranh chấp tại Biển Đông vào hội nghị lần này, vì "đây không phải là nơi thích hợp để nói". Tuy nhiên, Ngoại trưởng Philippines đã "gạt" sự cảnh báo sang và đề cập đến vấn đề này tại ASEM.
Ngoại trưởng Perfecto Yasay tái khẳng định, Manila tôn trọng phán quyết của PCA và coi đây như một nỗ lực góp phần vào việc giải quyết những tranh chấp tại Biển Đông. Ông Yasay cũng kêu gọi các bên kiềm chế. Ông cũng khẳng định tầm quan trọng của các biện pháp giúp khôi phục lòng tin giữa các quốc gia có liên quan trong khu vực.
Cũng trong ngày 15/7, luật sư trưởng của chính phủ Philippines cho biết, Manila sẽ không nhượng bộ Bắc Kinh. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Manila theo đuổi việc thực hiện phán quyết của PCA bác bỏ những yêu sách phi lý của Trung Quốc đối với phần lớn Biển Đông.
Hội nghị ASEM lần thứ 11 được tổ chức tại Mông Cổ. |
Trong một diễn biến có liên quan, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã "nhắc nhở" Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe về việc không nên "can thiệp và thổi phồng vấn đề Biển Đông". Đáp lại lời cảnh báo, ông Abe khẳng định trật tự quốc tế dựa trên luật quốc tế cần được tôn trọng.
Trước đó, hôm 13/7, đảng cầm quyền Nhật Bản tuyên bố sẽ yêu cầu nội các Nhật tiến hành các thủ tục để khởi kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế PCA. Theo đó, động thái này được coi là hành động nhằm ngăn chặn và buộc Trung Quốc dừng hoạt động khai thác tại các mỏ dầu khí trên biển Hoa Đông.
Nghiêm Thu