Được mệnh danh là "sát thủ săn ngầm", phi cơ P-8A Poseidon mà Mỹ sử dụng để tuần tra trên Biển Đông được trang bị tên lửa chống hạm, bom chìm chống ngầm, có khả năng giám sát ven biển và đủ mạnh để hạ nhiều chiến hạm.
Những ngày gần đây, Mỹ đang trở nên nghiêm túc hơn bao giờ hết trong vấn đề Biển Đông. Thay vì "nói ít làm nhiều" như trước đây, Washington đã có những hành động cụ thể.
Hôm 20/5, Mỹ đã điều một máy bay P-8A Poseidon (được đặt theo tên gọi của vị thần cai trị biển cả trong thần thoại Hy Lạp) thực hiện nhiệm vụ trinh sát bên trên căn cứ đặt tại đảo nhân tạo mà Bắc Kinh phát triển từ một bãi đá ngầm.
Boeing P-8 Poseidon là máy bay tuần tra trên biển tầm xa thế hệ mới, tác chiến chống ngầm (ASW), chống hạm, tình báo, giám sát và trinh sát của Hải quân Mỹ.
Video sát thủ săn ngầm P-8A Poseidon bay trên căn cứ tại đảo nhân tạo của Bắc Kinh trên Biển Đông:
[mecloud]JndGSuqtAv[/mecloud]
P-8A Poseidon có chiều dài 39,47 m, sải cánh 35,7 m, cao 12,83 m, trọng lượng rỗng 62,7 tấn, trọng lượng tối đa cất cánh 85,3 tấn. Phi cơ có tốc độ hành trình hơn 900 km/h, trần hoạt động 12,5 km, bán kính chiến đấu 3.700 km.
Tập đoàn Boeing bắt đầu bàn giao P-8 cho Hải quân Mỹ từ năm 2012. Dự định hải quân sẽ mua khoảng 117 P-8 phục vụ cho các hoạt động giám sát hàng hải trên khắp thế giới và thay thế dần cho phi cơ Lockheed P-3C Orion đang sắp kết thúc chu kì hoạt động.
Theo CNN, Hải quân Mỹ đang tăng cường hoạt động tuần tra trên Biển Đông bằng máy bay P-8A Poseidon. |
“Chúng tôi phải có loại máy bay này đúng lúc", Breaking Defense dẫn lời Đại tá Hải quân Aaron Rondeau, người có kinh nghiệm về P-3, nói hồi tháng 10/2012.
Về thiết kế, P-8A có hình dáng phi cơ thương mại Boeing 737-800 và mang đôi cánh của Boeing 737-900. Nó lớn hơn mẫu Lockheed P-3, lượng nhiên liệu mang theo nhiều hơn và có thể hoạt động liên tục 4 giờ.
P-8 được trang bị 2 động cơ phản lực hiệu suất cao CFM56-7B. Động cơ có hệ thống kiểm soát nhiên liệu kỹ thuật số cho phép tăng sức mạnh và tiết kiệm nhiên liệu.
Loại máy bay tuần tra trên biển và ASW này có tới 7 bảng điều khiển trong cabin. Nó được lắp đặt tháp pháo cảm biến hồng ngoại và quang điện, hệ thống radar giám sát trên biển, hệ thống phát tín hiệu thông tin.
Radar trên P-8A có khả năng phát hiện, phân loại và nhận dạng các tàu, tàu nhỏ và tàu ngầm nổi trên mặt nước, khả năng giám sát ven biển, tham gia hoạt động tìm kiếm và cứu hộ.
Tổ bay P-8A Poseidon có 9 người, gồm hai phi công trong khoang lái, 5 thành viên làm nhiệm vụ, một phi công thay phiên và một kỹ thuật viên.
Tổ bay P-8A Poseidon có 9 người, gồm hai phi công trong khoang lái, 5 thành viên làm nhiệm vụ, một phi công thay phiên và một kỹ thuật viên. |
Với phần cánh dài và ít rung lắc, "P-8A di chuyển mượt mà hơn P-3", Rondeau giải thích.
Để dò tìm tàu ngầm đối phương, ngoài MAD, P-8 còn được trang bị hệ thống phao định vị thủy âm thả xuống mặt nước nhằm phát hiện các mục tiêu ẩn trong lòng biển. "Nhờ đó, tổ bay sẽ làm nhiệm vũ tốt hơn", ông nói.
Vũ khí chính của P-8 là ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ Mk.54. Nó được thả khỏi máy bay với sự trợ giúp của dù, khi tiếp cận mặt nước động cơ sẽ kích hoạt để tiến đến mục tiêu.
Các tên lửa không đối đất như tên lửa chống hạm Harpoon, tên lửa tấn công mặt đất SLAM hoặc AGM-65 Maverick, và tên lửa không đối không AIM-9 Sidewinders hoặc AIM-120 AMRAAM sẽ được gắn ở những điểm cứng dưới cánh máy bay.
|
Ảnh chụp hoạt động xây dựng đảo trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông từ máy bay P-8. |
Theo Military-today, điểm mạnh của P-8 là có thể bay cách mặt nước chỉ 60 m với tốc độ 333 km/h để giám sát các hoạt động bên dưới. Giới quân sự đánh giá, Poseidon là sát thủ săn ngầm trên không đáng sợ nhất thế giới.
Hiện nay, P-8A Poseidon đã được xuất khẩu ra nước ngoài cho các đồng minh thân cận và khách hàng đầu tiên là Ấn Độ. Hải quân nước này đã ký hợp đồng đặt mua 8 chiếc thuộc phiên bản xuất khẩu của P-8A là P-8I Neptune, hiện Mỹ đã bàn giao cho hải quân nước này tới chiếc thứ 4.
Việc Mỹ bán máy bay tuần tiễu chống ngầm hết sức tiên tiến cho New Dehli cũng nhằm mục đích xây dựng mạng lưới giám sát tàu ngầm Trung Quốc trên cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Ngay khi nhận các máy bay này, Ấn Độ đã điều động chúng đến bảo vệ không phận và hải phận Ấn Độ trên biển Ấn Độ Dương.
Xem thêm video máy bay do thám Mỹ tiến sát vùng Trung Quốc cải tạo trên Biển Đông:
[mecloud]F5byVv2V2h[/mecloud]
Yên Yên (tổng hợp)