Washington hôm 21/5 khẳng định, lực lượng hải quân Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra trên biển và trên không, tại vùng biển quốc tế, bất chấp việc Trung Quốc 8 lần cảnh báo họ phải "rời đi ngay".
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Washington hôm 21/5, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ khẳng định, máy bay trinh sát của nước này ở Biển Đông là "hoàn toàn thích đáng", hải quân Mỹ và máy bay quân sự sẽ "tiếp tục thực thi đầy đủ quyền hoạt động trong vùng biển và không phận quốc tế".
Ông Russel cho rằng, Mỹ thậm chí còn có thể "tiến xa hơn" để bảo đảm tất cả các nước có thể đi lại ở các vùng biển và không phận quốc tế. Mỹ tin rằng mọi nước và người dân đều có quyền tiếp cận vùng biển và không phận quốc tế.
"Chẳng ai có lý trí mà lại cố gắng ngăn chặn Hải quân Mỹ hoạt động, đó không phải là điều khả thi", ông Russel nói.
"Máy bay quân sự Mỹ có thể bay qua vùng biển quốc tế, dù có thách thức hay thắc mắc... Chúng tôi tin rằng mọi các quốc gia và các bên dân sự đều có quyền tiếp cận không giới hạn các vùng biển và không phận quốc tế", ông Russel nhấn mạnh.
Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục tuần tra tại Biển Đông, bất chấp việc Trung Quốc xua đuổi. |
Phát biểu với các phóng viên, người phát ngôn Lầu Năm Góc, Đại tá Steven Warren, nhấn mạnh thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông "sẽ là bước đi tiếp theo”.
Khi được hỏi liệu quân đội Mỹ sẽ có động thái trong khu vực nhạy cảm này hay không, ông Warren nói: “Chúng tôi không có bất kỳ thông báo nào về những bước đi tiếp theo. Chúng tôi sẽ tiếp tục những chuyến bay như thường lệ”.
Các quan chức Mỹ từng tuyên bố họ đang cân nhắc đưa tàu chiến và máy bay do thám đi vào vùng biển trong phạm vi 12 hải lý tính từ các bãi đá nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây dựng phi pháp thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Động thái này được cho là có thể gia tăng căng thẳng, dẫn đến bế tắc ở một trong những tuyến hàng hải quan trọng của thế giới.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói ông không biết về vụ việc máy bay Trung Quốc xua đuổi máy bay Mỹ.
"Trung Quốc có quyền tham gia vào việc giám sát vùng biển và không phận liên quan để bảo vệ chủ quyền và ngăn chặn các vụ việc bất ngờ trên biển. Chúng tôi hi vọng quốc gia liên quan nghiêm túc tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông", ông Hồng Lỗi nói ngày 21/5.
Hình ảnh Trung Quốc xây dựng trên quần đảo Trường Sa do máy bay P8-A Poseidoncủa Mỹ chụp từ trên cao. |
Tin tức trên Reuters cho biết, theo ghi nhận của phóng viên CNN, Hải quân Trung Quốc đã 8 lần phát cảnh báo yêu cầu các phi công trên P8-A Poseidon - máy bay giám sát tân tiến nhất của Mỹ, khi nó tuần tra gần nơi Bắc Kinh cải tạo phi pháp trên Biển Đông hôm 20/5.
Khi các phi công Mỹ đáp lại rằng họ đang ở trong không phận quốc tế, một giọng nói qua radio của Trung Quốc trả lời với sự giận dữ: "Đây là hải quân Trung Quốc... Hãy đi đi".
Chiếc P8 đã có lúc bay ở mức thấp 4.500 m và một đoạn video do Lầu Năm Góc cung cấp dường như được ghi hình ngay bên trên một đảo nhân tạo của Trung Quốc.
Hình ảnh do phóng viên CNN quay từ chiếc P8 trên các đảo nhân tạo mới cho thấy các hoạt động xây dựng và nạo vét của Trung quốc đang diễn ra cấp tập, cùng nhiều tàu hải quân nước này gần đó.
Ảnh chụp từ trên cao cho thấy các hoạt động bồi đắp của Trung Quốc tại một bãi ngầm ở Trường Sa. |
Các cơ sở quân trên bãi Chữ Thập, trong đó có một đường băng dài trên 3.000m có thể đi vào hoạt động vào cuối năm nay, một chỉ huy của Mỹ gần đây cho biết. Washington lo ngại rằng Trung Quốc sẽ sử dụng đường băng này để khẳng định các tuyên bố chủ quyền rộng lớn trước các quốc gia nhỏ hơn cũng có tuyên bố chủ quyền trong khu vực.
Vụ việc trên, cùng với các cảnh báo gần đây của Trung Quốc đối với các máy bay quân sự của Philippines nhằm rời khỏi các khu vực quanh quần đảo Trường Sa, cho thấy Bắc Kinh đang cố gắng thực thi một khu vực cấm quân sự trên các đảo nhân tạo mới ở đó.
Một số chuyên gia an ninh tỏ ra lo ngại về nguy cơ đối đầu, đặc biệt sau khi một quan chức Mỹ hồi tuần trước cho biết Lầu Năm Góc đang cân nhắc điều tàu và máy bay quân sự để khẳng định tự do hàng hải quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc.
Họ cũng lo ngại rằng Bắc Kinh có thể chuẩn bị áp đặt vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông để mở rộng quyền kiểm soát ra ngoài biên giới quốc gia.
Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông dựa trên cái gọi là "Đường lưỡi bò", lên các vùng biển chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế theo luật pháp quốc tế của các quốc gia trong khu vực.
Trước các diễn biến liên tục ở Biển Đông, ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, hôm qua đề nghị các nước "có đóng góp trách nhiệm và tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông".
Việt Nam cũng khẳng định có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, phù hợp với các quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNLCOS).
Xem thêm video máy bay trinh sát Mỹ tuần tra gần nơi Trung Quốc cải tạo trên Biển Đông:
[mecloud]F5byVv2V2h[/mecloud]
Yên Yên (Reuters)