Với mạng lưới khổng lồ gồm các xúc tu màu đen kéo dài hàng km dưới lòng đất, nấm Armillaria chính là sinh vật sống lớn nhất được biết đến trên trái đất.
Nấm Armillaria ostoyae (hay còn gọi là nấm mật ong) là loại nấm mật lớn nhất được xác định ở Oregon, Bắc Mỹ. Nó có chiều ngang khoảng 5,5 km. Nó lớn hơn rất nhiều so với con voi khổng lồ hoặc voi châu phi. Các nhà khoa học tin rằng loài nấm mật đặc biệt này có thể đã hơn 2.000 năm tuổi. Cây nấm mật lớn tiếp theo được tìm thấy tại bang lân cận Washington.
Nấm mật được phân bố rộng tại các vùng mát hơn ở Mỹ và Canada. Nó rất phổ biến trong các khu rừng ở Tây Bắc Thái Bình Dương. Loại nấm này phát triển thành một mạng lưới các sợi nấm riêng lẻ trên và dưới mặt đất. Sợi nấm hoạt động như rễ cây. Chúng hút nước và chất dinh dưỡng từ đất để nuôi nấm. Đồng thời, chúng tạo ra các chất hóa học để chia sẻ với các sinh vật khác trong đất.
Nấm mật ong có kích thước khổng lồ nhờ khả năng kết hợp thành một sinh vật duy nhất. Khi các sợi từ những cá thể nấm khác gặp nhau trên hoặc dưới lòng đất, chúng sẽ kết hợp với nhau, điều kiện là giống nhau về mặt di truyền. Khi các sợi nấm kết hợp thành công, chúng liên kết các cơ thể nấm rất lớn với nhau.
Với kích thước như vậy, bạn tưởng tượng rằng loài nấm khổng lồ này sẽ rất dễ phát hiện. Tuy nhiên, phần lớn thời gian trong năm nó nằm hoàn toàn dưới lòng đất và chỉ bật lên khi đến thời điểm tái tạo. Nếu bạn thực sự muốn biết loại nấm này, phải nhìn bên dưới lòng đất. Ở đó, bạn sẽ thấy một mạng lưới các sợi nấm liên kết phát triển mạnh. Đây mới chính là cơ thể nấm, dành cả ngày để ăn chất dinh dưỡng trong lòng đất và phân hủy vật chết.
Một mẫu vật 8.500 tuổi của Armillaria ostoyae ở Oregon, Mỹ có diện tích hơn 9,5km vuông với khối lượng xúc tu thân và rễ ước tính nặng từ 7.500-35.000 tấn. Với khối lượng và mức độ che phủ này, nấm Armillaria trở thành sinh vật lớn nhất trên thế giới.
Armillaria là một loại nấm gây bệnh giống ma cà rồng ăn cây. Nó có thể rút cạn sự sống của 600 loại cây thân gỗ và làm tàn lụi thảm thực vật, gây thiệt hại hàng triệu đô la cho nông dân .
Loại nấm ký sinh này có thể lớn tới vậy đều nhờ vào sự mạnh mẽ bên trong của nó. Armillaria có khả năng chống chịu cực tốt với các loại thuốc diệt nấm, thuốc trừ cỏ. Nó có thể tồn tại mà không hoạt động trong lòng đất một thời gian dài, không cần đến thức ăn.
Kỹ sư cơ khí Debora Lyn Porter đến từ Đại học Utah và các đồng nghiệp giải thích: "Những mạng lưới sợi nấm dạng rễ và thể sợi được tìm thấy ngủ yên trong nhiều thập kỷ khi mà vật chủ không sẵn có, sau đó, chúng hoạt động trở lại khi vật chủ mới đến". Đây chính là cách giúp cho loại nấm này tồn tại.
Porter và nhóm của cô đã sử dụng phân tích hóa học, thử nghiệm cơ học và mô hình hóa để kiểm tra chặt chẽ A. ostoyae. Họ so sánh các mẫu được trồng trong phòng thí nghiệm và thân rễ cây nấm được thu từ trong tự nhiên. Các nhà khoa học phát hiện chỉ loài nấm hoang dã mới tạo ra thân rễ có lớp lá chắn bảo vệ những tua nhạy cảm hơn bên trong khỏi hóa chất và lực cơ học.
"Lớp bên ngoài này khá cứng. Nó giống như một lớp nhựa dẻo dai. Với thế giới tự nhiên, nó khá mạnh", kỹ sư Steven Naleway nói.
Lớp này có màu sẫm do melanin, một sắc tố mang lại cho nấm nhiều lợi ích khác nhau, chẳng hạn như liên kết các ion canxi giúp trung hòa các chất độc. Lớp vỏ của nấm hoang cũng có các lỗ nhỏ hơn nhiều so với nấm được trồng trong phòng thí nghiệm và có cấu trúc nhất quán hơn, không có điểm yếu. Nếu muốn dùng hóa chất để tiêu diệt nấm, bạn cần phải phá được lớp vỏ canxi này và thâm nhập vào bên trong.
Những đặc tính này giúp xúc tu của nấm có sức mạnh tạo được áp lực, cùng với sự giúp đỡ của enzym để xuyên thủng các rễ gỗ cứng và "ăn cắp" chất dinh dưỡng từ cây. Khi có đủ thời gian, cây nấm sẽ phát triển thành một khối khổng lồ, sánh ngang với những sinh vật sống lớn nhất trên Trái đất.
>> Xem thêm: Sinh vật xấu đến gai người nhưng sở hữu siêu năng lực sống lâu, trẻ dai, nín thở 18 phút