Thông tin về những chiếc xe hơi Ấn Độ có giá 100 triệu đồng thi thoảng lại khiến người Việt Nam “giật mình” và xuýt xoa thèm muốn. Tuy nhiên, thực chất của những chiếc xe giá rẻ này là như thế nào?
Mới đây, hãng Renault (Pháp) vừa gây bất ngờ lớn khi cho ra mắt mẫu crossover cỡ nhỏ mang tên Kwid, với giá bán từ 3.920 USD đến 5.384 USD, tương đương với 88-121 triệu đồng tại thị trường Ấn Độ.
Vào hồi tháng 5/2015, thị trường Ấn Độ cũng chào đón dòng xe Tata Nano với mức giá ấn tượng: chỉ từ 2.500 - 5.000 USD một xe, tức vào khoảng từ 60 triệu đến hơn 100 triệu đồng.
Chiếc Renault Kwid giá chỉ từ 88 triệu tại Ấn Độ. Ảnh: Internet |
Mức giá của những chiếc xe này ít nhiều khiến người tiêu dùng Việt Nam xuýt xoa thèm muốn bởi độ “rẻ như bèo” của nó, so với những chiếc ô tô giá cao vút so với mức thu nhập chung, và bởi ước mơ sở hữu một chiếc ô tô thường xuyên hiện hữu.
Tuy nhiên, sự thật về những chiếc xe với mức giá nêu trên chắc hẳn sẽ khiến người Việt – những người thường có yêu cầu cao về “chất” – sẽ không dễ dàng đặt tiền để mua.
Đơn cử như mẫu xe Renault (Pháp) nêu trên. Ở phiên bản cao cấp nhất, nó sẽ nội thất có điều hoà (chỉnh tay), một túi khí cho người lái, màn hình cảm biến tích hợp bản đồ GPS trên bệ trung tâm, cửa sổ chỉnh điện,... Song ở bản tiêu chuẩn, chiếc ô tô giá rẻ không có túi khí, điều hoà hay hệ thống giải trí LCD.
Chiếc Tata Nano có giá từ 60 đến 100 triệu tại Ấn Độ. Ảnh: Internet |
Ngoài ra, theo đánh giá chung của giới chuyên môn, đây là mẫu xe giá rẻ với các trang bị tối thiểu, cùng động cơ công suất nhỏ. Đặc biệt, với động cơ 3 xi lanh, tuy giúp tiết kiệm chi phí nhưng vì số xi lanh lẻ nên khi hoạt động sẽ gây rung lắc và tạo tiếng ồn lớn, cần phải khắc phục bằng các giải pháp phức tạp, khó thực hiện với xe giá rẻ.
Còn với chiếc Tata Nano, với mức giá 100 triệu, chiếc xe cũng chỉ dược trang bị các thiết bị nguyên sơ nhất: Không có trợ lực, không điều hòa, không radio, không gương kính điện, chỉ có một bên gương hậu, không có cửa hậu, không túi khí, động cơ quá yếu chỉ 624cc…
Theo nhận định của giới chuyên môn, về cơ bản, nó chẳng khác Ô tô điện của Trung Quốc đang bán ở Việt Nam, hoặc các loại xe đầu ngang Việt Nam tự sản xuất trước đây và đã bị cấm lăn bánh trên quốc lộ, chỉ khác là thay bằng động cơ xăng. Thế nên sẽ không có nhà nhập khẩu nào dám nhập loại xe này vào Việt Nam. Nếu có, nhà nhập khẩu sẽ nhập loại xe Tata Nano có đầy đủ tiện ích và giá bán cao hơn nhiều lần.
Ngoài ra, một trong những lý do khiến người tiêu dùng Việt Nam “thất vọng” nữa là dù những chiếc xe trên có giá chỉ từ 100 triệu đồng tại Ấn Độ, nhưng khi về Việt Nam, mức giá trên sẽ không còn … nguyên bản.
Theo một tính toán, khi về Việt Nam, tính đủ thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt và GTGT, mẫu xe của hãng Renault có giá từ 230-320 triệu đồng. Giá trên chưa gồm chi phí khác, như cước phí vận chuyển, phí quản lý, lương nhân viên, tiền thuê mặt bằng, lợi nhuận DN, thuế TNDN... Như vậy, theo ước tính của các DN, giá bán đến tay người tiêu dùng sẽ từ 300 đến 400 triệu đồng, tùy phiên bản.
Còn với chiếc Tata Nano, khi nhập về Việt Nam, giá một chiếc xe gần 60 triệu sẽ đội lên gần 130 triệu đồng/xe. Nếu cộng chi phí khác giá cũng phải trên 250 triệu đồng, chứ không có chuyện xe nhập về đến Việt Nam bán 100 triệu đồng/xe. Còn đối với loại Tata Nano giá nhập khẩu 5.000 USD, giá thành bán ra với những chế độ thuế phí đã biết trước, giá sẽ trên 300 triệu.
Nam Nam (tổng hợp)