Nhà nước Hồi giáo IS đang nói gì về Mỹ, tại sao chúng lại thích đương đầu với Mỹ và mối họa thực sự chúng đem lại cho nước Mỹ cũng như phương Tây là gì?
Trong một thời gian dài, những mối đe dọa đến từ IS dường như được giới hạn trong vùng sa mạc thưa thớt dân cư ở Trung Đông. Thông qua những chiến thuật tàn bạo và sự đàn đáp đối với các dân tộc thiểu số, nhóm cực đoan dòng Sunni đã đem các cuộc tàn sát và sự hỗn loạn phủ khắp khu vực Syria và Iraq. Nhưng chính những nỗ lực tàn ác nhằm thiết lập một Nhà nước Hồi giáo bất ổn tại khu vực rộng lớn hơn đã thúc đẩy các cuộc không kích của Mỹ.
Nhóm chiến binh Hồi giáo đã phản ứng lại bằng cách chặt đầu 3 con tin phương Tây trong những tuần gần đây, khiến cuộc khủng hoảng càng trở nên căng thẳng. Bên cạnh đó, một loạt những lời đe dọa tấn công Mỹ và các đồng minh cũng được đưa ra. Vậy thì, IS hi vọng sẽ đạt được điều gì khi tăng cường xung đột với Mỹ và các nước đồng minh của Washington?
IS nói gì về Mỹ?
ISIS, tự xưng là “Nhà nước Hồi giáo” đã thúc đẩy những mối đe dọa chống lại Mỹ và các nước phương Tây trong nhiều tháng qua. Theo trung tâm chống khủng bố Quốc gia Mỹ, nhóm cực đoan này đã công khai cảnh báo về “cuộc đối đầu trực tiếp” với Mỹ từ hồi tháng 1 và “liên tục chế giếu người Mỹ”, đặc biệt là trong những video hành quyết nhà báo James Foley và Steven Sotloff.
Các vụ hành quyết nhà báo Mỹ diễn ra ngay sau khi quân đội Mỹ bắt đầu không kích chống lại IS tại Iraq và giúp đỡ lực lượng dân quân người Kurd và quân đội Iraq trong cuộc chiến chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo.
Kể từ khi công bố chiến lược chống IS, Tổng thống Obama dự kiến sẽ mở rộng không kích nhằm vào khu vực chiến đấu hỗn loạn ở Syria. Mỹ đã xây dựng một liên minh với các quốc gia để chống lại mối đe dọa từ IS.
Tại sao IS háo hức muốn chiến đấu với Mỹ?
Video
Hè năm nay, IS tuyên bố thành lập một “Caliphate” – một Nhà nước Hồi giáo trải dài trên khắp những vùng lãnh thổ mà chúng đã chinh phục được.
Một cựu binh IS nói với CNN rằng mục tiêu chính của họ là “thiết lập một nhà nước hồi giáo bao gồm cả thế giới Ả Rập. Và sau đó, chúng tôi sẽ tiến tới các quốc gia khác”.
Với mục tiêu đó, việc châm chọc và gây thù với đội quân hàng đầu thế giới dường như không phải là cách làm khôn ngoan để nhà lãnh đạo IS Abu Bakr al-Baghdadi mở rộng và củng cố lãnh thổ của mình tại Trung Đông.
Nhưng các nhà phân tích nói rằng nhóm này gây hấn với Mỹ là cách hiệu quả để tập hợp thêm nhiều chiến binh quy tụ dưới ngọn cờ của IS hơn nữa.
“Với al-Baghdadi, chống lại Mỹ và liên minh 40 quốc gia khác chính là một huân chương danh dự, một công cụ tuyển dụng mạnh mẽ. Đó là bằng chứng cho thấy ông ta và tổ chứng của mình trở thành lãnh đạo của chiến binh thánh chiến trên toàn cầu, lật đổ đối thủ al-Qaeda.
IS sẽ làm gì?
Khi quân đội Mỹ tiến hành không kích IS, nhóm cực đoan này có thể khai thác tình hình cho mục đích tuyên truyền. Chúng nói rằng các cuộc hành quyết Foley và Sotloff là để phản ứng lại việc Mỹ không kích Iraq.
“Tôi đã trở lại, Obama và tôi trở lại bởi Chính sách đối ngoại kiêu ngạo nhằm vào Nhà nước Hồi giáo của ông”, tên đao phủ trong video chặt đầu nhà báo Sotloff nói. “Khi mà tên lửa của ông còn tấn công người của chúng tôi, dao của chúng tôi sẽ còn tiếp tục cắt cổ người của ông”.
Việc chặt đầu con tin sẽ khiến IS được chú ý nhiều hơn và những nỗ lực để áp đặt luật lệ hà khắc tại Iraq và Syria sẽ hiệu quả hơn.
Các quan chức tình báo Mỹ ước tính có hơn 2.000 người châu Âu và hơn 100 người Mỹ đã đổ xô đến Syria để chiến đấu với các nhóm cực đoan ở đó và không rõ có chính xác bao nhiêu người đang chiến đấu cho IS.
Tuy nhiên, chiến lược này có thể phản tác dụng.
“IS đang chơi một canh bạc khi cho rằng chiến đấu với Mỹ và phương Tây sẽ khiến họ mạnh hơn. Nhưng nếu phương Tây có mưu đồ và tinh ranh thì động thái này sẽ được chứng minh là sai lầm tồi tệ nhất của IS”, Ghitis, nhà bình luận các vấn đề thế giới của CNN khẳng định.
Những mối đe dọa mà IS đặt ra cho Mỹ?
Các quan chức Mỹ nói rằng chiến binh IS không trực tiếp đe dọa đến Mỹ ở thời điểm hiện tại. “Tại thời điểm này, chúng tôi không có thông tin nào cho thấy IS đang lên kết hoạch tấn công nước Mỹ”, Matthew Olsen, giám đốc Trung tâm Chống khủng bố quốc gia cho biết.
Những mối nguy hiểm đặt ra đó là những nhân viên Mỹ và cơ sở hạ tầng tại Iraq và từ những binh lính Mỹ hay các quốc gia phương Tây khác trở về nhà và có thể dàn dựng các cuộc tấn công.
“Điều thực sự khiến các quan chức chống khủng bố Mỹ lo lắng đó là IS sẽ ưu tiên phát động những cuộc tấn công chống lại Mỹ, sẽ đào tạo các tân binh phương Tây cách chế tạo bom và gửi họ trở lại nước nhà”, nhà phân tích khủng bố Paul Cruickshank nói với CNN.
Những cuộc tấn công “cây nhà lá vườn” có nguy cơ gì?
Đó là những gì mà các nhà phân tích an ninh quan ngại và những gì mà IS đang muốn kêu gọi trong thông điệp mới nhất.
Các cuộc tấn công khủng bố “cây nhà lá vườn” không còn là điều mới mẻ. Trong những năm gần đây, nước Mỹ đã trải qua nỗi kinh hoàng của các vụ đánh bom Boston và vụ xả súng ở Fort Hood.
Từ lâu, al-Qaeda đã kêu gọi các cá nhân phương Tây tham gia vào những cuộc tấn công của chúng, đưa ra những hướng dẫn cách chế tạo bom trên các tạp chí.
Những kẻ đánh bom ở cuộc thi marathon Boston đã sử dụng nồi áp suất mà chúng học được trên mạng.
Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia cho biết những kẻ cực đoan bạo lực ở quê nhà “hầu như là mối đe dọa ngay lập tức đối với nước Mỹ”. Các quan chức Mỹ đặc biệt lo ngại IS sẽ khéo léo dùng cách tuyên truyền, đặc biệt là lợi dụng truyền thông xã hội để vươn tới những khán giả ở phương Tây.
Có phải Mỹ đã chậm chân trong việc ngăn mối họa IS?
Trong khi IS trêu chọc Mỹ trong nhiều tháng thì nhiều nhà phê bình cho rằng ông Obama đã đánh giá thấp nhóm cực đoan này.
Ông Obama đã phát động cuộc không kích chống lại IS và mô tả nhóm này như một “căn bệnh ung thư”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã từng nói mối đe dọa từ IS “vượt xa những gì mà chúng ta thấy” nhưng các quan chức cấp cao của chính quyền vẫn bảo vệ những đặc tính trước đó của các phần tử cực đoan. “Tổng thống đã đúng. Chúng không đặt ra mối đe dọa đối với nước Mỹ giống như al-Qaeda”, Phó Cố vấn An ninh Mỹ Tony Blinken nói.
Bảo Linh/Người đưa tin (Theo tin tức CNN)