Giữa lúc cuộc tranh luận tổng thống lần 2 đang gay cấn, vấn đề tấn công mạng được đưa ra.
Hai ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump và Hillary Clinton đã tranh cãi nhau về tuyên bố cho rằng tin tặc có quan hệ với Nga đã cố gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử.
Hai ngày trước đó, ngày 7/10, giám đốc tình báo quốc gia Mỹ, James Clapper, đã cáo buộc nước Nga tấn công mạng.
Quan chức Mỹ cho rằng phía Nga không chỉ đánh cắp thông tin mà còn biến nó thành vũ khí.
Câu chuyện bắt đầu vào tháng 5 khi Ủy ban Quốc gia Dân chủ (DNC) bắt đầu chú ý đến mạng máy tính của mình. Họ đã gọi cho công ty an ninh CrowdStrike để kiểm tra.
Hai nhóm hacker bị phát hiện trên hệ thống này, một nhóm vừa đột nhập, nhóm kia đã đột nhập từ cách đó gần 1 năm.
Shawn Henry đã từng làm việc cho FBI 2 thập kỷ. Ảnh: Getty |
"Chúng tôi nhận ra có đối thủ trong môi trường của họ, nhắm tới mạng lưới đó và đang điều tra sự trao đổi tin tức, tìm kiếm về các ứng viên đối lập", ông Shawn Henry, giám đốc an ninh của công ty CrownStrike, cựu trợ lý giám đốc điều hành FBI nói với BBC.
"Chúng tôi đã quy cho chính phủ Nga".
"Trong trường hợp đặc biệt này, chúng tôi tin rằng chính phủ Nga có liên quan đến chiến dịch gián điệp - về cơ bản là thu thập các thông tin tình báo chống lại ứng viên tổng thống Mỹ".
Những cuộc tấn công hung hăng
Nhưng sau khi DNC và Crowdstrike công khai việc đổ lỗi này, tài liệu đã được tiết lộ, chuyển sự tập trung từ gián điệp truyền thống (trộm dữ liệu) sang điều gì đó giống như một chiến dịch ảnh hưởng được thiết kế để gây tác động trong thế giới thực.
Đây là một phần trong xu hướng mà Nga đang đi theo và nó khiến các quan chức phương Tây phải cảnh giác.
"Chúng tôi đang thấy việc sử dụng tấn công mạng một cách hung hăng và công khai hơn. Vì thế, thông tin trở thành một loại vũ khí và một loại vũ khí ảnh hưởng", ông David Omand, cựu giám đốc GCHQ (Sở Chỉ huy thông tin của Chính phủ) của Anh nói với BBC.
Hôm 7/10, giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ đã công khai những quan ngại này.
"Những vụ trộm cắp và vạch trần như thế này nhằm can thiệp vào quá trình bầu cử Mỹ", ông James Clapper phát biểu tại Bộ An ninh Nội địa Mỹ.
"Hành động như thế này không mới với Moscow - người Nga đã từng sử dụng các chiến thuật và kỹ thuật tương tự ở khắp châu Âu, châu Á để gây ảnh hưởng cho dư luận ở đó".
"Chúng tôi tin rằng dựa trên phạm vi và sự nhạy cảm của những nỗ lực này, chỉ có các quan chức cấp cao nhất của Nga mới có thể cho phép những hoạt động như vậy diễn ra".
Điện Kremlin đã bác bỏ những cáo buộc trên, nói rằng chúng "vô nghĩa".
Quét và điều tra
Một mối quan ngại nữa là những thông tin đó có thể bị thao tác trước khi rò rỉ.
Nói cách khác, những thông tin sai sự thật có thể được tạo ra giữa một lô dữ liệu thực tế. Nó sẽ được lựa chọn để đưa tin trước khi mọi người có cơ hội kiểm chứng.
Một số bang của Mỹ cũng đã báo cáo việc quét và điều tra các hệ thống liên quan đến bầu cử, như cơ sở dữ liệu cử tri chẳng hạn.
Tình báo Mỹ nói rằng điều này có thể bắt nguồn từ những máy chủ do một công ty Nga vận hành nhưng họ không nói đây là hoạt động do chính phủ Nga đứng sau.
Sẽ rất khó để thay đổi số lượng phiếu bầu vì hệ thống này có tính chấp phân cấp và được bảo vệ tại chỗ.
Hai ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump và Hillary Clinton. Ảnh: Getty |
Những nỗ lực và khả năng xâm nhập có thể gây ra vấn đề khi nó được công khai vào thời gian bầu cử.
"Lý do duy nhất tôi thấy tại sao bạn muốn làm điều đó là reo rắc nghi ngờ về kết quả của cuộc bầu cử", ông David Omand nói.
"Bởi nếu bạn đang ở trong một khu vực mà phải dựa vào máy bầu cử, bạn biết các máy bầu cử và dữ liệu bị thâm nhập, bạn có thể thực sự tin vào kết quả không?"
"Bạn sẽ nhanh chóng có được những tin đồn sau bầu cử đó là kết quả tại một số khu vực có thể đáng ngờ".
"Tôi có thể thấy những lý do chính đáng là tại sao - lúc này - Nga lại khá vui khi Mỹ gặp phiền phức kiểu này".
Cuộc đua vũ khí không gian mạng
Nga đã đi tiên phong trong kỹ thuật chiến tranh lai và các chiến dịch thong tin trong những năm gần đây, trong đó có cuộc xung đột tại Ukraine và Georgia.
Tình báo Nga cũng có lịch sử lâu dài về "những biện pháp tích cực" và "các chiến dịch ảnh hưởng" từ thời Chiến tranh Lạnh. Nhưng không gian mạng cung cấp một phương tiện mới để theo đuổi chương trình này với quy mô thay đổi.
Trong cuộc thảo luận về việc Mỹ nên phản ứng như thế nào, một số chuyên gia đã bày tỏ lo lắng.
"Ở cấp độ quốc gia, cần có cuộc thảo luận ngoại giao về việc điều gì được chấp nhận, điều gì không. Hoặc là chúng ta sẽ xem xét cuộc chạy đua vũ khí đang gia tăng trong không gian mạng", ông Henry lập luận.
Bảo Linh (BBC)