Trong tiến trình lịch sử hàng nghìn năm của Trung Quốc, sự thay đổi của các triều đại là một hiện tượng tất yếu, dù những người cai trị các triều đại đều hy vọng nền móng họ lập ra sẽ trường tồn với non sông đất nước. Nhà Nguyên do người Mông Cổ lập ra ở Trung Quốc, kiểm soát toàn bộ lãnh thổ rộng lớn nhưng cũng chỉ tồn tại ngắn ngủi 97 năm.
Đế chế Mông Cổ, từng thống trị thế giới và trải dài khắp lục địa Á-Âu, đã nhanh chóng diệt vong trong vòng một trăm năm sau khi nắm quyền kiểm soát Trung Hoa.
Triều Nguyên do Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt lập nên vào năm 1271, định đô tại Đại Đô sau khi Đế quốc Mông Cổ bị phân nhánh thành 4 quốc gia và Hốt Tất Liệt lên ngôi hoàng đế. Tuy nhiên, nhà Nguyên chỉ tồn tại chưa đầy 100 năm (1271–1368). Theo Chinatimes, có bốn lý do chính khiến nhà Nguyên nhanh chóng sụp đổ khi chưa đầy 100 năm cai trị Trung Hoa.
Theo Luwang, nhà Nguyên diệt vong trong vòng chưa đầy một thế kỷ, có 4 nguyên nhân chính là quan trọng nhất.
Thứ nhất, chính là sự suy thoái của quân đội nhà Nguyên. Sau khi quân Mông Cổ chiếm lấy Trung Nguyên, kỷ luật trong quân đội nhanh chóng tụt dốc, không còn là đội quân bất khả chiến bại như trước đây. Theo các nhà sử học, quân đội nhà Nguyên nhanh chóng buông lỏng, không còn sự kiên trì và dũng cảm chiến đấu để chinh phục thế giới như trước đây. Binh lính cũng bị sa đà vào cuộc sống hưởng thụ, xa hoa.
Ngoài ra, nội chính nhà Nguyên cũng rất hỗn loạn, dẫn đến bất ổn chính trị. Trong thời gian ngắn 97 năm, đất nước có 11 vị hoàng đế. Nếu tính cả những thái tử được kế vị, con số sẽ là gần 20 người.
Thứ hai, sự phân hóa Chính sách dân tộc của triều Nguyên được cho là không có lợi cho triều đại này. Dưới thời nhà Nguyên, các hoàng đế chia thành thành bốn giai cấp để phân biệt và cai trị là người Mông Cổ, người Sắc Mục (Semu), người Hán và người phương Nam.
Người Hán ở Trung Nguyên dùng để chỉ người Hán ở phía bắc sông Hoài Hà. Người Hán cũng là dân tộc chiếm tỷ lệ lớn nhất trong dân số Trung Hoa. Tuy nhiên, nhà Nguyên lại coi đây là người thuộc tầng lớp thấp hơn và chịu nhiều ràng buộc chính sách nghiêm ngặt bởi lo sợ họ sẽ nổi dậy, dấy binh cầm quyệt lật đổ nhà Nguyên.
Vào năm 1304, nhà Nguyên quy định tất cả mọi người ngoại trừ người Mông Cổ, người Hán và người miền Nam đều là người Sắc Mục.
Chính sự phân biệt này cùng nhiều loại thuế đè nén khiến lòng người bất mãn, nhiều lực lượng sau này đã nổi dậy nhằm lật đổ nhà Nguyên.
Thứ ba, sau khi lên nắm quyền cai trị Trung Hoa, đế chế Mông Cổ lại không biết cách cai trị. Tờ Sohu cho rằng, người Mông Cổ chỉ biết chinh phục thiên hạ chứ không biết cai trị. Đây là sai lầm lớn khiến nhà Nguyên chỉ tồn tại một thời gian ngắn. Sau khi chiếm được Trung Nguyên, nhà Nguyên không những không xây dựng chính sách cai trị theo điều kiện địa phương mà còn phát triển chăn nuôi theo phong cách du mục.
Đây vốn không phải lợi thế của người Hán mà là phong tục của người Mông Cổ trên thảo nguyên. Chính vì thế, hành động này của các hoàng đế nhà Nguyên đã vô tình tàn phá nền văn minh nông nghiệp ở khu vực đồng bằng, làm chậm sự phát triển kinh tế. Sau một thời gian, người dân đều phàn nàn về mức sống sa sút, khổ sở nhưng giới cầm quyền lại nhắm mắt làm ngơ. Việc làm này khiến nhà Nguyên mất đi sự ủng hộ của người dân Trung Nguyên.
Nguyên nhân thứ tư là do thiên tai thường xuyên xảy ra. Theo cuốn Lịch sử nhà Nguyên”, dưới thời trị vì của Nguyên Huệ Tông tức Nguyên Thuận Đế, thời tiết "cực lạnh" giá kéo dài xảy ra trung bình hai năm một lần khiến người dân rơi vào cảnh khốn cùng, sản lượng lương thực giảm mạnh gây ra những bất ổn và xã hội. Nhận thấy tình hình lúc đó, triều đình nhà Nguyên tuy đã cố gắng ứng phó với thiên tai nhưng vẫn bất lực trước những thảm họa thiên nhiên lặp đi lại lại liên tục.