Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã xin lỗi Tổng thống Nga Vladimir Putin về vụ bắn rơi máy bay ném bom Su-24 của Nga trên bầu trời Syria. Theo các chuyên gia, ông Erdogan đã thực hiện bước đi này do sự suy thoái trong quan hệ với EU về vấn đề người tị nạn và những hậu quả kinh tế do tan vỡ quan hệ với Moscow mang lại.
Tổng thống Nga Vlaidimir Putin và Thổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ảnh: AP |
Thư ông Erdogan gửi ông Putin - được điện Kremlin công bố ngày 27/6/2016 - đã bày tỏ sự hối tiếc về vụ máy bay ném bom Su-24 của Nga bị bắn rơi ở Syria vào cuối tháng 11/2015.
"Sau sự cố Su-24, Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng trong Chính sách đối ngoại để tìm kiếm đồng minh về vấn đề này thông qua việc gây ảnh hưởng tới những mâu thuẫn giữa Liên minh châu Âu và Nga", ông Alexei Arbatov, người đứng đầu Trung tâm An ninh Quốc gia, thuộc viện Quan hệ Quốc tế và Kinh tế Thế giới tại Học viện Khoa học Nga, nói với RBTH.
Theo ông, tình hình kinh tế và chính trị trong nước đã buộc Ankara phải thay đổi lập trường. Cuộc khủng hoảng tài chính và đổ vỡ trong quan hệ với Nga đã mang lại tác động tiêu cực đối với ngân sách của nước này.
"Điều này còn trộn lẫn với cả tình hình tị nạn: sự cần thiết để kiềm chế dòng người tị nạn tới châu Âu, vấn đề bồi thường cho Ankara (về người tị nạn), Anh rời EU, những điều này đã kết hợp chính xác với dòng người di cư và việc không muốn chấp nhận Ankara vào gia đình chung châu Âu. Và, như một hệ quả tất yếu, nó dẫn tới sự bất hòa với Brussels", ông Arbatov nói.
Khủng hoảng trong chính sách đối nội của Thổ Nhĩ Kỳ
Việc nối lại quan hệ với Nga sẽ tăng cường an ninh trong khu vực và giải quyết một số thách thức cấp thiết mà Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt, ông Hakan Aksay, một nhà báo, nhà khoa học chính trị Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định.
Trong 6 tháng qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua hàng loạt vụ khủng bố do Đảng Công nhân người Kurd (KWP) thực hiện cùng với hàng loạt cáo buộc vi phạm nhân quyền và các quyền của người dân tộc thiểu số tại nước này.
"Về vấn đề này, ông Erdogan đã quyết định xoa dịu tình hình, ít nhất là ở một mặt trận, và đã xin lỗi với hy vọng sớm có thể tiếp tục thực hiện các dự án chung với Nga", ông Aksay nói.
Theo ông Arbatov, những dự án này bao gồm việc nối lại du lịch, dỡ bỏ các lệnh cấm vận về xuất khẩu nông nghiệp, tiếp tục xay dựng một nhà máy điện hạt nhân tại phía nam Thổ Nhĩ Kỳ trị giá hơn 20 tỷ USD cũng như dự án đường ống khí đốt Turkish Stream.
"Nga sẽ tạm dừng trong một thời gian - họ sẽ không vội nối lại với Thổ Nhĩ Kỳ ngay. Việc nới lỏng cuộc đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ từng bước một sẽ bắt đầu", ông Arbatov nói.
Một thắng lợi chính trị cho Moscow
Lá thư xin lỗi mà nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ gửi cho ông Putin là một chiến thắng chính trị của Moscow và những nước muốn hợp tác với Nga, ông Sergey Karaganov, chủ nhiệm Khoa Kinh tế và Chính trị Thế giới, trường ĐH Kinh tế ở Moscow cho biết.
"Mối thù giữa 2 nước đã làm tổn hại tới Trung Đông và quá trình tái thiết khu vực này. Quyết định hòa giải với Moscow đã được đưa ra và tranh luận trong giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ một thời gian dài. Cuộc đối đầu về vấn đề này - Thổ Nhĩ Kỳ vốn sai - chẳng mang lại lợi ích cho ai cả", ông Karaganov nói.
Vai trò quan trọng trong việc bình thường hóa quan hệ giữa 2 nước đã được trao cho Israel, theo ông Hasan Oktay, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Caucasus, Thổ Nhĩ Kỳ.
"Chuyến thăm của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tới Moscow có thể được coi như điểm khởi đầu cho việc bình thường hóa quan hệ giữa 2 nước", ông Oktay nói.
"Giờ đây, Ankara nên bắt đầu các cuộc đàm phán với phía Nga về việc bồi thường cho gia đình các nạn nhân, cũng như Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý với Israel. Việc bình thường hóa quan hệ với cả Nga và Israel là điều cần thiết cho sự ổn định và hòa bình tại khu vực này".
Bảo Linh (RBTH)