Tàu đổ bộ tấn công đầu tiên thuộc lớp Type-075 của Trung Quốc dù mãi đến năm 2020 mới hoàn thiện song đã hứng phải nhiều chê bai từ giới chuyên gia.
[mecloud]qCucm5RGyj[/mecloud]
Theo National Interest, Type-075 đang được đóng tại nhà máy ở thành phố Thượng Hải, được cho là có kích thước ngang ngửa tàu đổ bộ lớp Wasp của Mỹ.
Type-075 có lượng giãn nước 40.000 tấn, có thể chở theo 30 trực thăng, mặt boong đủ lớn để 6 trực thăng cất cánh cùng lúc, thân tàu có khoang chứa các loại phương tiện như tàu đệm khí, xuồng cao tốc. Bởi vậy, Type-075 được kỳ vọng sẽ thay thế Type-071, tàu đổ bộ chủ lực cỡ lớn hiện này của hải quân Trung Quốc, và có thể giúp hải quân Trung Quốc triển khai quân với quy mô lớn.
Tuy nhiên, Type-075 không có khả năng vận hành máy bay cánh bằng như tàu lớp Wasp của Mỹ. Trung Quốc cũng chưa phát triển được tiêm kích cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL) như F-35B hay AV-8B Harrier.
Trung Quốc đang đầu tư nhiều nguồn lực cho tàu đổ bộ. Ảnh: Blogspot |
Các chuyên gia quân sự quốc tế tỏ ra nghi ngờ về tính hiệu quả của tàu Type-071 và Type-075 trong môi trường chiến tranh hiện đại, cho rằng khoản đầu tư này là tốn kém và lãng phí.
"Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất sở hữu khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/D2). Các nước khác có thể áp dụng các biện pháp đối phó khiến tàu đổ bộ trở thành khoản đầu tư tốn kém và ẩn chứa nhiều rủi ro", chuyên gia Alex Alden tại Trung tâm phân tích hải quân Mỹ (CNA) nhận định.
Bên cạnh đó, sự phát triển của tên lửa chống hạm cũng như tàu ngầm tấn công có độ ồn thấp sẽ đặt ra mối nguy hiểm không nhỏ với các tàu đổ bộ, vốn có khả năng phòng thủ kém và dựa phần nhiều vào biên đội hộ tống.
Thử thách này bắt buộc Trung Quốc sẽ phải triển khai nhiều tàu chiến để bảo vệ những tàu đổ bộ cồng kềnh và đắt tiền, đồng thời đưa chi phí triển khai vận hành Type-071 và Type-075 tăng lên rất nhiều.
[mecloud]aKJfxcATgo[/mecloud]
Lê Huyền (tổng hợp)