Thân nhân của 62 hành khách thiệt mạng trên chuyến bay QZ8501 đang tỏ ra phẫn nộ vì cho rằng khoản tiền bồi thường ban đầu mà họ nhận được chỉ bằng một nửa so với thân nhân những người mất tích trong thảm họa MH370 năm ngoái.
Telegraph cho biết, số tiền bồi thường 300 triệu rupee Indonesia (gần 24.000 USD) được hãng bảo hiểm Allianz đưa ra nhằm giúp các gia đình giải quyết hậu quả tài chính trước mắt sau vụ tai nạn của QZ8501.
Tuy nhiên, theo James Healy-Pratt, một luật sư hàng đầu về hàng không, gia đình các nạn nhân QZ8501 được thanh toán ít hơn so với người nhà các nạn nhân của Malaysia Airlines, một hãng hàng không truyền thống của Malaysia.
Allianz đang là đại diện cho cả AirAsia và Malaysia Airlines.
"Tôi thấy rất khó để giải thích cho các gia đình tại sao AirAsia và hãng bảo hiểm hàng không London Allianz lại đưa cho mỗi gia đình số tiền chính xác là chỉ bằng một nửa so với thân nhân của MH370 và MH17", ông nói.
Theo luật sư James Healy-Pratt, một số lượng lớn các gia đình đã từ chối lời đề nghị bồi thường trên. Và nhiều gia đình đang chia sẻ chung cảm giác, dù AirAsia là hãng hàng không giá rẻ, họ cũng không nên bồi thường ở mức quá thấp so với hãng hàng không Malaysia Airlines.
Thân nhân hành khách trên chuyến bay gặp nạn QZ8501 bức xúc vì chỉ nhận được số tiền bồi thường ban đầu bằng nửa thân nhân trong thảm họa MH370
Luật sư Healy-Pratt đã lên tiếng đề nghị ông Tony Fernandes, chủ sở hữu của AirAsia can thiệp để giải quyết vấn đề này.
"Nếu ông ấy thực sự quan tâm đến gia đình AirAsia QZ8501, lúc này ông ấy nên can thiệp để cung cấp ngay cho gia đình các nạn nhân khoản bồi thường 50.000 USD. Tôi thực sự hy vọng, vì lợi ích của gia đình các nạn nhân thảm kịch QZ8501, đi máy bay giá rẻ sẽ không có nghĩa là chỉ được bồi thường ở mức thấp", ông Healy-Pratt.
Phát ngôn viên của Allianz từ chối bình luận về sự khác biệt giữa hai hãng hàng không. Tuy nhiên, người này cho hay số tiền trên chỉ là mức bồi thường ban đầu.
"Khoản bồi thường ban đầu đang được chi trả cho gia đình các nạn nhân QZ8501 nhằm hỗ trợ tài chính cho họ trong thời điểm cực kỳ khó khăn này. Chúng tôi sẽ nhất trí bồi thường thêm theo tham vấn với tất cả các bên liên quan", người phát ngôn nói.
Trong khi đó, công ước Montreal đã quy định khoản bồi thường cuối cùng mà gia đình các nạn nhân trong các tai nạn máy bay có thể nhận được. Khoản bồi thường này rơi vào khoảng hơn 160.000 USD.
Tuy nhiên, vẫn có trường hợp ngoại lệ, gia đình nạn nhân nhận được khoản bồi thường lớn hơn sau các cuộc đàm phán. Chẳng hạn, các gia đình nạn nhân trong vụ tai nạn máy bay năm 2007 của hãng hàng không Adam Air đã được nhận khoản bồi thường 400.000 USD sau các cuộc đàm phán.
Máy bay QZ8501 của hãng hàng không giá rẻ AirAsia chở theo 162 người cất cánh lúc 5h20 ngày 28/12/2014 từ thành phố Surabaya (Indonesia) và theo dự kiến, phải hạ cánh tại sân bay Changi của Singapore lúc 8h30 cùng ngày.
Tuy nhiên, chiếc máy bay đã mất liên lạc khi ở giữa cảng Tanjung Pandan của Indonesia và thị trấn Pontianak, phía Tây Kalimantan trên đảo Borneo. Sau đó, chiếc máy bay được xác nhận đã rơi xuống biển Java khiến toàn bộ hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Theo Yên Yên (Telegraph)