Tại phiên điều trần trước Hạ viện Indonesia, hãng hàng không AirAsia cuối cùng đã thừa nhận hãng này chỉ được phép bay 4 ngày một tuần tuyến Surabaya-Singapore. Như vậy, chuyến bay gặp nạn QZ85011 rõ ràng không được cấp phép vào ngày hôm đó.
Hãng thông tấn Antara ngày 13/1 đưa tin, tại phiên điều trần trước Hạ viện Indonesia, Giám đốc Indonesia AirAsia Sunu Widyatnoko cho biết, hãng đã có "lời đề xuất bằng miệng về việc điều chỉnh lịch trình bay đến các quan chức của Bộ Giao thông vận tải".
Tuy nhiên đây chỉ là đề xuất đơn phương từ phía hãng AirAsia và hãng vẫn chưa nhận được sự phê chuẩn cần thiết để thực hiện các chuyến bay theo đề xuất điều chỉnh của mình.
"Bằng lời nói, chúng tôi đã thông tin về sự thay đổi lịch đến bộ nhưng đây là một sai lầm. Chúng tôi thừa nhận đã sai trong quy trình này" - tờ Asia Nikkei dẫn lời ông Widyatmoko.
Antara News cho rằng, an toàn hàng không là điều tối quan trọng trong ngành hàng không thương mại và bất kỳ đề xuất nào về việc điều chỉnh lịch trình bay cũng cần phải viết thành đơn chính thức chứ không thể tuyên bố bằng miệng.
Mảnh vỡ phần đuôi máy bay QZ8501 được trục vớt
Vẫn chưa rõ đề xuất bằng miệng của AirAsia là về việc thay đổi chuyến bay hay thêm các chuyến bay. Tuy nhiên, theo một thông cáo báo chí của chủ tịch AirAsia Tony Fernadez, đề xuất trên là nhằm tăng cường các chuyến bay. Ông Fernandez từng nói rằng AirAsia có quyền bay 7 ngày một tuần tuyến Surabaya-Singapore.
Bộ Giao thông vận tải Indonesia đã ra quyết định tạm ngừng các chuyến bay tuyến Surabaya-Singapore của hãng AirAsia từ 2/1 đến tháng 3 và tiến hành điều tra đối với các hãng hàng không địa phương khác.
Trong một diễn biến liên quan, đội tìm kiếm cứu hộ Indonesia đã tìm thấy vị trí phần thân của máy bay AirAsia QZ8501 rơi ở biển Java hôm 28/12/2014 và cho rằng hàng chục thi thể nạn nhân còn mắc kẹt bên trong.
Thông tin trên được đưa ra sau khi giới chức Indonesia tuyên bố thiết bị ghi âm buồng lái (CVR) đã được vớt lên. Trước đó một ngày, thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay (FDR) đã được tìm thấy. Cả hai thiết bị này nằm cách nhau khoảng 20 m và đã được đưa về một phòng thí nghiệm ở thủ đô Jakarta để phân tích. Các quan chức cho biết cả 2 thiết bị trên đều trong tình trạng tốt.
Thêm vào đó, ông Supriyadi cho rằng thi thể của hơn một nửa số hành khách trên máy bay vẫn còn mắc kẹt trong phần thân máy bay. Đội thợ lặn sẽ dùng bong bóng không khí để nâng phần thân lên khỏi mặt biển. Ông nói: “Hy vọng chúng ta có thể nâng phần thân máy bay cùng với thi thể các nạn nhân bên trong cùng một lúc”.
Theo Yên Yên (Antara News)