Hôm 14/4, trả lời trước truyền thông các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Mông Cổ, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhắc lại lập trường truyền thống của Moscow đối với tranh chấp trên Biển Đông là phản đối quốc tế hóa Biển Đông. Song theo đánh giá của tạp chí The Diplomat, điều này không đồng nghĩa với việc Nga đứng về phía Trung Quốc.
Trả lời truyền thông các nước, ông Lavrov nói rằng Nga thể hiện sự ủng hộ đối với một giải pháp ngoại giao tuân thủ cam kết của Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển (UNCLOS) và phù hợp với tuyên bố năm 2002 về ứng xử của các bên ở Biển Đông. Ngoại trưởng Nga cũng hoan nghênh việc sớm có quyết định cuối cùng về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
Tuy nhiên, điều khiến truyền thông khá bất ngờ là khi ông Sergey Lavrov đề cập đến vấn đề quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông.
"Quan điểm của chúng tôi được xác định bởi điều ước với bất cứ quốc gia bình thường nào, rằng các tranh chấp nên được giải quyết giữa các nước liên quan bằng biện pháp chính trị và ngoại giao hòa bình mà không có bất kỳ sự can thiệp nào từ bên thứ ba hoặc bất cứ nỗ lực quốc tế hóa nào đối với những tranh chấp".
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã gây chú ý với phát ngôn gần đây về việc phản đối quốc tế hóa các vấn đề Biển Đông. Ảnh: Reuters |
Ngoại trưởng Nga sau đó đã chỉ trích những nỗ lực quốc tế hóa các vấn đề tại các diễn đàn quốc tế như Diễn đàn khu vực châu Á (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á, Hội nghị cấp cao Á - Âu. Ông Lavrov cũng kêu gọi không thực hiện yêu sách "kiềm chế các bên hoặc sử dụng những tranh chấp đang xảy ra để giành lấy bất cứ lợi ích chính trị đơn phương nào trong khu vực hoặc cô lập bất cứ quốc gia nào".
Những gì xảy ra tiếp theo là tuyên bố này có thể sẽ tiếp tục được lặp lại và bị khuếch trương trong bối cảnh căng thẳng quốc tế đang tăng cao. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản ứng bằng cách dự báo về quan điểm chung của hai nước trong vấn đề Biển Đông, cái mà được hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa xã nhận xét là "hoan nghênh".
Trong khi đó, phản ứng lại tuyên bố của Ngoại trưởng Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định tranh chấp nên được giải quyết bởi "tất cả những nước liên quan".
Nhiều chuyên gia cho rằng, tuyên bố này của Ngoại trưởng Nga là dấu hiệu cho sự bùng nổ trong hợp tác Nga - Trung và có thể làm ảnh hưởng đến quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Nga và Việt Nam. Đây cũng là vấn đề mà Việt Nam quan tâm trong một thời gian dài. Hà Nội lo ngại rằng trục châu Á của Nga đang quá tập trung vào Trung Quốc và Bắc Kinh có thể sử dụng sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng giữa hai nước để lôi kéo Moscow đúng về phía mình trong tranh chấp Biển Đông.
Hải quân Nga và Trung Quốc diễn tập chung trên biển Hoa Đông. Ảnh: Chinanews |
Tuy nhiên, theo nhận định của tạp chí The Diplomat, việc Nga phản đối quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông không phải điều gì mới mẻ. Đây vốn là một quan điểm được Nga liên tục thực hiện trong quan hệ ngoại giao song phương và cũng từng được ông Lavrov tuyên bố một lần trong cuộc phỏng vấn với Channel News Asia hồi tháng 8/2015.
Có thể giải thích rằng, tuyên bố lần này của ông Lavrov làm dậy sóng dư luận hơn cả là bởi nó được đưa ra trong thời điểm truyền thông quốc tế đang hết sức quan tâm đến xung đột Biển Đông. Chúng ta đã nghe đến những tuyên bố mạnh mẽ về vấn đề này trong hội nghị G7 vừa mới diễn ra. Bên cạnh đó, Tòa án Trọng tài thường trực ở Hague cũng sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện đường lưỡi bò của Philippines đối với Trung Quốc. Và đáng chú ý hơn nữa là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter vừa mới có chuyến thăm đến Philippines.
Tất cả những điều này kết hợp lại đã đã tạo nên bối cảnh kém may mắn cho tuyên bố của Ngoại trưởng Nga, khiến nó trở thành một thứ gì đó châm ngòi cho cuộc khẩu chiến giữa Trung Quốc và các bên còn lại trong tranh chấp Biển Đông. Liệu điều này có thể là dấu hiệu cho thấy Nga đang đứng về phía Trung Quốc trong xung đột Biển Đông.
Mặc dù cả Nga và Trung Quốc đều phản đối việc quốc tế hóa tranh chấp lãnh thổ, song họ đang làm như vậy vì những lý do khác nhau. Trung Quốc đang muốn trở thành bên mạnh nhất trong tranh chấp và muốn "một đấu một" với các bên còn lại. Đối với Bắc Kinh, quốc tế hoá bao gồm cả các trọng tài pháp lý và sự tham gia, giúp đỡ của các nước ngoài khu vực đối với những nước xảy ra tranh chấp với Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định tranh chấp nên được giải quyết bởi "tất cả những nước liên quan". |
Trong khi đó, Nga phản đối quốc tế hóa bởi đây chính là quan điểm xuyên suốt trong chính sách đối ngoại hiện đại của nước này. Moscow đã nhiều lần chỉ trích các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ, NATO và EU vì can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác ở Đông Âu, các nước Balkans và nhiều nơi khác. Theo hoạch định Chính sách của Nga, quốc tế hóa chính là bước đầu tiên hướng tới sự can thiệp.
Biển Đông không phải là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga. Gánh nặng khó khăn kinh tế trong nước, việc tiếp tục tham chiến ở Syria và xung đột lợi ích với phương Tây khiến Nga đang khôi phục sự tập trung chú ý vào Trung Quốc nhiều hơn so với các nước châu Á khác và không có vẻ quá háo hức để tham dự vào các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Người ta có thể lập luận rằng mối quan tâm chính của Moscow ở châu Á là duy trì các mối quan hệ song phương và cân bằng chính sách giữa hai đối tác chiến lược là Việt Nam và Trung Quốc.
Hơn nữa, Biển Đông là một vấn đề phức tạp và có liên quan đến nhiều nước, bởi vậy, quốc tế hóa chính là giải pháp duy nhất và quan trọng nhất. Chủ quyền, kiểm soát thực tế, quân sự, khai hoang, tự do hàng hải và quản lý tài nguyên là tất cả các vấn đề mà Nga có liên quan. Chính điều này cho phép Moscow đứng ngoài tranh chấp vốn có khả năng sẽ còn leo thang nhanh chóng trong tương lai.
Lê Huyền (The Diplomat)