Theo NYT, trong lần mắc Covid-19 thứ hai, người đàn ông 33 tuổi này không biểu hiện triệu chứng. Điều này cho thấy dù việc nhiễm virus trước đó không thể ngăn chặn tình trạng tái nhiễm, hệ thống miễn dịch của anh đã phần nào kiểm soát được mầm bệnh.
Bà Akiko Iwasaki, chuyên gia miễn dịch học tại Đại học Yale, cho biết: "Lần nhiễm thứ hai hoàn toàn không có triệu chứng. Phản ứng miễn dịch của anh ấy đã ngăn không cho bệnh trở nên nghiêm trọng. Đây là một ví dụ được ghi lại trong sách y văn về cách hoạt động của hệ miễn dịch".
Người bệnh không có biểu hiện vẫn đủ khả năng lây truyền virus sang người khác. Tiến sĩ Iwasaki nhấn mạnh tầm quan trọng của vaccine. Trong trường hợp của bệnh nhân này, bà nói thêm: "Nhiễm trùng tự nhiên tạo ra miễn dịch ngăn ngừa mầm bệnh, nhưng không cản được việc mắc Covid-19 lần hai".
Thông thường, người mắc Covid-19 tái dương tính sau một thời gian khỏi bệnh chỉ là do "tàn dư", là các mảnh virus còn sót lại trong cơ thể. Mảnh virus lúc đó không còn hoạt động. Kết quả dương tính lần thứ hai phần nhiều phụ thuộc do độ nhạy của kit xét nghiệm.
Tái nhiễm nCoV là khi người bệnh nhiễm lượng virus hoàn toàn mới. Người bệnh nói trên bị nhiễm lại nCoV, chủng thứ hai có sự khác biệt đáng kể về gene so với chủng trong lần nhiễm thứ nhất.
Các chuyên gia cho biết phát hiện này không nằm ngoài dự đoán, đặc biệt là khi thế giới đã có hàng triệu người nhiễm bệnh.