Suốt gần 40 năm, Mỹ đã tôn trọng cam kết sẽ cung cấp vũ khí giúp Đài Loan tự vệ trước Trung Quốc Đại lục, nhưng chính quyền Trump đang cho thấy nhiều dấu hiệu thay đổi.
Thỏa thuận cung cấp vũ khí cho
Trong bối cảnh một kế hoạch bán vũ khí cho Đài Loan vẫn đang trong tình trạng vô định, một số quan chức, nhà lập pháp và chuyên gia lo ngại rằng Tổng thống Trump có thể đang ngầm thỏa hiệp với Bắc Kinh.
Gói cung cấp vũ khí nêu trên mặc dù có giá trị tương đối nhỏ - chỉ hơn 1 tỷ đô la Mỹ - lẽ ra đã được hoàn thành từ cuối năm 2016, nhưng chính quyền Obama không hề phê duyệt. Sau một số tín hiệu ủng hộ Đài Loan từ phía Trump như cuộc điện đàm sớm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, giới quan sát cho rằng chính quyền mới sẽ nhanh chóng xúc tiến gói cung cấp vũ khí.
Nhưng hiện nay thỏa thuận này đang bị "xếp xó" do bất đồng nội bộ, và nguy cơ Bắc Kinh nổi giận sẽ không có lợi cho ưu tiên hàng đầu của Trump hiện nay ở châu Á: Giải quyết tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
Sau hội nghị thượng đỉnh Trump - Tập hồi tháng 4/2017, nhiều người cho rằng chính quyền Mỹ sẽ nhanh chóng phê duyệt gói vũ khí và thông báo cho Quốc hội. Nhưng đến tận bây giờ Nhà Trắng vẫn chưa đề ra Chính sách cụ thể cho các cơ quan thực hiện lẫn Quốc hội, gây một số hoang mang.
Không chỉ vậy, hồi tháng trước, Trump còn cho biết có thể sẽ tham khảo ý kiến ông Tập trước khi điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Trump nói, ông không muốn "làm khó dễ" ông Tập khi đang cần Trung Quốc giúp đỡ giải quyết vấn đề Triều Tiên.
(Ảnh: Reuters)
Mâu thuẫn lợi ích
Theo Washington Post, không loại trừ khả năng chính quyền Mỹ đang thêm một số vũ khí tối tân hơn vào gói vũ khí. Phía Đài Loan cũng bày tỏ ý muốn sở hữu chúng, ví dụ như máy bay chiến đấu F-35. Nhưng động thái này có thể gây phức tạp cho tình hình ngoại giao, và khiến việc phê duyệt chậm trễ hơn nữa.
Một số quan chức Mỹ muốn Trump phê duyệt gói vũ khí nhỏ hơn ngay bây giờ, để khẳng định rằng Mỹ vẫn cam kết trợ giúp quốc phòng Đài Loan dưới thời Trump. Nhiều nghị sĩ ủng hộ việc quay lại quy trình định kỳ hơn, như xem xét yêu cầu và thông báo kết quả định kỳ hàng năm.
"Đây là cách duy nhất để tránh việc gói cung cấp vũ khí bị trì hoãn nhiều năm trời vì quan hệ ngoại giao Mỹ - Trung Quốc", một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết.
Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố không bình luận về các thỏa thuận bán vũ khí đang được xem xét. Nhà Trắng cũng không phản hồi đề nghị bình luận.
Washington Post cho rằng, dù chính quyền Trump lựa chọn cách nào đi nữa, chắc chắn Tổng thống vẫn sẽ nhận được sự ủng hộ từ Quốc hội.
"Tôi sẽ ủng hộ mạnh mẽ mọi gói cung cấp vũ khí mà chính quyền Trump thỏa thuận với đồng minh Đài Loan của chúng ta," Thượng nghị sĩ Cory Gardner, chủ tịch Ủy ban Quan hệ Quốc tế Đông Á tại Thượng viện cho hay.
Ông Gardner chính là một trong số 7 thượng nghị sĩ đã thăm Đài Loan hồi năm ngoái, và hối thúc nhà lãnh đạo Thái Anh Văn tăng cường chi tiêu quốc phòng lên 3% GDP. Các nhà lập pháp bày tỏ lo ngại rằng lời kêu gọi này sẽ vô tác dụng nếu Washington trì hoãn việc bán vũ khí cho Đài Loan.
Ngay cả khi bà Thái đạt được mục tiêu, Đài Loan vẫn không thể bắt kịp Bắc Kinh. Đài Loan sẽ tiêu tốn khoảng 11,6 tỷ đô la cho quốc phòng trong năm nay, và con số này không thể so bì với mức chi 146 tỷ đô la của chính phủ Trung Quốc theo các số liệu chính thức.
Tài liệu về quân đội Trung Quốc vào năm 2016 của Lầu Năm Góc cho biết, "ưu tiên chính" của Bắc Kinh là phát triển quân sự trong trường hợp xảy ra xung đột với Đài Loan.
Washington Post nhận định, Mỹ cần có động thái nhắc Trung Quốc rằng Bắc Kinh không thể tách Mỹ ra khỏi những cam kết với các đối tác trong khu vực chỉ bằng những lời hứa mập mờ về việc phối hợp giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Nếu Trung Quốc thực sự coi việc giải quyết căng thẳng Triều Tiên thuộc những lợi ích quốc gia củahọ, thì việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan sẽ không thay đổi điều đó.