Tám vụ nổ liên tiếp đã xảy ra tại Sri Lanka trong ngày 21/4, trong đó, sáng 6 vụ nổ xảy ra tại 3 nhà thờ và 3 khách sạn làm gần 160 người thiệt mạng và hơn 500 người bị thương và chiều hai vụ nổ tại vùng ngoại ô Colombo. Chuỗi các vụ tấn công đã khiến 207 người thiệt mạng và 450 người bị thương, trong đó có ít nhất 35 nạn nhân là người nước ngoài. Con số thương vong có thể còn tiếp tục tăng.
Bộ trưởng Quốc phòng Sri Lanka xác nhận có 7 nghi phạm đã bị bắt, tuy nhiên, hiện chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm.
Theo hãng tin AFP, trong số nạn nhân thiệt mạng trong các vụ nổ có 35 người nước ngoài.
Tân Hoa Xã cho biết có 4 công dân Trung Quốc trong số người bị thương. Hiện chưa rõ động cơ của vụ tấn công cũng như chưa có cá nhân hay tổ chức nào lên tiếng thừa nhận đã thực hiện vụ tấn công.
Nhà chức trách cho biết những trang mạng xã hội lớn và các ứng dụng nhắn tin, bao gồm cả Facebook và WhatsApp, đã bị chặn để tránh lan truyền các tin đồn sai lệch. Một số quan chức nói các vụ nổ nhiều khả năng do đánh bom tự sát. Hiện tất cả trường học ở Sri Lanka sẽ đóng cửa vào ngày 22 và 23/4.
Thủ tướng Ranil Wickremeinghe đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp Hội đồng An ninh Quốc gia. Bộ Quốc phòng Sri Lanka ra lệnh giới nghiêm bắt đầu từ 18h tối 21/4 (19h30 giờ Hà Nội) và kéo dài đến 6h sáng 22/4 (7h30 giờ Hà Nội).
Sau vụ nổ xảy ra, các nhà lãnh đạo trên thế giới đã bày tỏ chia buồn và "lên án mạnh mẽ các tội ác khủng khiếp" đồng thời gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân. Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ "sẵn sàng giúp đỡ" Sri Lanka vượt qua khó khăn.
Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind tuyên bố: "Ấn Độ lên án các vụ tấn công khủng bố ở Sri Lanka và gửi lời chia buồn đến người dân và chính phủ nước này. Những hành động bạo lực vô nghĩa nhằm vào người dân vô tội như vậy không có chỗ trong xã hội văn minh. Chúng tôi một lòng đoàn kết với Sri Lanka."
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã lên án các vụ tấn công trên, gọi đây là "các vụ tấn công vào toàn thể nhân loại."