Sau gần 3 năm thảo luận, Thông tư Quy định về quản lý thực phẩm chức năng vừa chính thức được ban hành với nhiều điểm mới siết chặt việc sản xuất, kinh doanh và công bố thực phẩm chức năng (TPCN).
Theo Thạc sỹ Lê Văn Giang – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Thông tư Quy định về quản lý TPCN là một thông tư “khó” là bởi TPCN là một lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, và không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng vẫn chưa xây dựng được tiêu chuẩn chung về TPCN. Hay có thể nói rằng cơ quan quản lý chưa có thước đo để khẳng định rằng, một sản phẩm như thế nào là đạt hay không đạt, tốt hay không tốt, hiệu quả hay không hiệu quả, an toàn hay không an toàn… Hơn thế nữa, nếu không có những quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật, khi một sản phẩm TPCN ra đời, nhà quản lý cũng khó có thể thẩm định chất lượng và hiệu quả do thiếu "công cụ".
Không chỉ vậy, nếu không có tiêu chuẩn, nhà sản xuất sẽ không biết căn cứ vào chỉ tiêu nào, công bố chỉ tiêu nào và công bố với mức bao nhiêu. Và khi đó, hệ lụy sẽ dồn tất cả lên người tiêu dùng bởi cơ quan quản lý nhà nước cũng không có đủ công cụ để kiểm soát những rủi ro, bất lợi của sản phẩm đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Theo ThS. Lê Văn Giang, trọng tâm của Thông tư Quy định về quản lý TPCN là giúp các cơ quan quản lý cũng như nhà sản xuất kiểm soát tốt hơn về hiệu quả, chất lượng và độ an toàn của sản phẩm TPCN đã, đang và sẽ được công bố và lưu hành. Trong đó quy định rõ ràng hơn về TPCN, phân loại, yêu cầu công bố về Công dụng, liều lượng sử dụng, chống chỉ định, bằng chứng khoa học… Đây là những vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển của ngành TPCN trong những năm qua.
Theo đó, có 6 tình huống (*) sản phẩm bắt buộc phải thử nghiệm hiệu quả trên người trước khi được công bố và lưu thông trên thị trường. Hơn thế nữa, với những sản phẩm đã lưu hành nhiều năm, được công bố có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh, đặc biệt là với các bệnh mạn tính, thì việc thử nghiệm hiệu quả trên người tại các bệnh viện dưới sự giám sát của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học sẽ đem lại niềm tin cho người tiêu dùng. Theo ThS. Lê Văn Giang, đây là lợi thế vô cùng lớn mà doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TPCN nên “tận dụng”.
Một vấn đề nữa là yêu cầu định tính, định lượng sản phẩm. Từ trước tới nay, việc định tính, định lượng sản phẩm là yêu cầu không có tính bắt buộc, nhất là với các sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh. Nhưng sau ngày 15/1/2015, các doanh nghiệp bắt buộc phải nêu được tên hoạt chất chính trong sản phẩm và hàm lượng hoạt chất trong sản phẩm được công bố. “Mức độ đáp ứng của hoạt chất dưới 10% thì chắc chắn sản phẩm không được cấp giấy xác nhận công bố”, ThS. Lê Văn Giang cho biết.
Theo đó, những điểm mới này không chỉ giúp cơ quan quản lý có “công cụ sắc bén” hơn trong việc quản lý chất lượng sản phẩm mà còn giúp những nhà sản xuất TPCN chân chính mở rộng thị trường cũng như “thử sức” trong việc xây dựng và thử nghiệm những công thức mới, sản phẩm mới.
Thông tư Quy định về quản lý thực phẩm chức năng sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 1 năm 2015.
Theo Healthplus