Hầu hết các loại tiết động vật đều có chất dinh dưỡng tương đương nhau, nhưng mỗi loại lại có những chất khác biệt cần khám phá. So sánh tiết lợn và vịt, chúng ta sẽ thấy bất ngờ.
Tiết là một trong những loại thức ăn có nguồn gốc động vật được đánh giá rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên do có số lượng ít, nên cũng không được xem là món ăn phổ biến hàng ngày trên mâm cơm của các gia đình.
Chính vì chất lượng của món ăn này có lợi cho sức khỏe, mà nhiều nơi đã biến món ăn thành một công cụ kinh doanh kiếm lời.
"Phù phép" tiết lợn thành tiết vịt để bán đắt hàng
Tại Trung Quốc, nơi có món thịt Vịt Bắc Kinh nổi tiếng, nhưng số lượng tiết vịt cũng không đủ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Mặc dù không phải mùa thu đông, nhưng những quán lẩu vịt cay ở đây vẫn vô cùng tấp nập. Món tiết vịt được xem là một trong những thực phẩm có thể kết hợp với lẩu tạo ra những món đặc sản thu hút thực khách.
Thậm chí, có một số nghi ngờ rằng do tiết vịt "đắt hàng" nên nhiều cửa hàng ăn uống đã lấy tiết lợn để "thay thế" tiết vịt. Sự "đánh tráo" hay "đánh lừa" người tiêu dùng về nguồn gốc của tiết vịt đã đặt ra câu hỏi, liệu có phải do tiết vịt tốt hơn tiết lợn?
Thực tế cho thấy, khi hỏi các thực khách săn lùng món tiết vịt, không ai chắc chắn rằng tiết vịt tốt hơn tiết lợn cụ thể là bao nhiêu, nhưng do số lượng ít, nhu cầu cao, hương vị và chất dinh dưỡng có thể tốt hơn, nên giá cả đương nhiên sẽ đắt hơn.
Vì thế, khi người dân bỏ mức tiền cao để mua tiết vịt, mà ăn phải món tiết lợn rẻ tiền hơn thì họ có cảm giác bị lừa. Để tránh điều này, đủ kiến thức để lựa chọn đúng thực phẩm theo nhu cầu, chúng ta cần tìm hiểu sự khác nhau giữa 2 loại tiết này.
Sự khác biệt về giá trị dinh dưỡng giữa tiết vịt và tiết lợn
Tiết vịt, tiết lợn và tiết các loại động vật khác còn được xem là một dạng "đậu phụ" động vật hay còn gọi là món thịt "mềm". Trong tiết rất giàu protein, chất sắt và các chất dinh dưỡng khác, có thể cung cấp cho cơ thể nhiều chất dinh dưỡng, luôn được coi là thực phẩm tốt nhất để bổ máu.
Nghiên cứu cho thấy, tiết vịt có lượng sắt cao gấp 19 lần so với tiết lợn, trong khi lượng kali cũng cao hơn.
Ngoài ra, hàm lượng photpho, natri và cholesterol trong tiết vịt được cho rằng vẫn cao hơn nhiều so với tiết lợn. Tuy nhiên, như hầu hết các loại tiết động vật khác, các nhà dinh dưỡng đều công nhận rằng tiết lợn cũng là một thực phẩm rất tốt cho máu.
Nghiên cứu phát hiện ra rằng, trong tiết lợn có một lượng protein, chất đạm này sau khi được tiêu hóa trong dạ dày, dưới sự tác động của axit sẽ tạo ra một chất giúp khử trùng, loại bỏ vi khuẩn và nhuận đường ruột.
Không những thế, chất này sau khi di chuyển trong cơ thể có thể tạo ra các phản ứng sinh hóa học, loại bỏ các chất bụi độc hại và các hạt kim loại, được xem là "công nhân làm sạch", thải bỏ độc tố và ô nhiễm cho cơ thể một cách hiệu quả.
4 mẹo giúp bạn phân biệt giữa tiết vịt và tiết lợn
Cả tiết lợn và tiết vịt đều tốt cho sức khỏe, vì thế bạn có thể chọn mua tiết theo nhu cầu của mình. Có 4 cách để nhận biết sự khác biệt giữa 2 loại tiết này, hãy quan sát để mua đúng loại.
1, Nhìn vào màu sắc
Tiết vịt có màu sắc tương đương với màu nâu cà phê, trong khi tiết lợn có màu giống như màu đỏ gạch.
Tiết vịt có màu sẫm hơn
Tiết lợn có màu đỏ tươi hơn
2, Chạm vào bề mặt
Tiết lợn khi chạm tay vào có cảm giác thô ráp hơn, có độ dẻo hơn so với tiết vịt, đồng thời tiết lợn có nhiều các lỗ khí, sau khi luộc trông như tổ ong.
Tiết vịt nhìn bề ngoài và sờ tay vào có cảm giác trơn mượt hơn, tiết càng tươi thì trông càng mềm mướt, khi tiết chưa nấu thì gần như không có các lỗ khí (bong bóng không khí) giống như tiết lợn.
3, Ngửi mùi vị
Mùi của tiết lợn thường tanh nặng hơn so với tiết vịt, khi bảo quản có thể cũng không thay đổi mùi nhiều so với ban đầu.
Tiết vịt có mùi tanh ít hơn, sau khi cắt lát và nấu qua nước sôi thì vẫn còn lại một chút mùi tanh nhẹ.
4, Cảm giác khi ăn
Tiết lợn càng nấu lâu càng cứng lại, khi cắn một miếng vào miệng có cảm giác khô cứng.
Trong khi tiết vịt tương đối mềm, nấu lâu cũng sẽ không bị cứng lại, khi cắn vào miệng có cảm giác tinh tế và mềm mượt hơn. Ăn tiết vịt còn có cảm giác mềm mát như là một loại "caramen đen".
Lưu ý:
Tiết động vật chứa một số chất thải (cặn bã) trong quá trình trao đổi chất của cơ thể, nếu ăn quá nhiều cùng lúc sẽ có thể gây ra gánh nặng cho các cơ quan trong cơ thể. Vì vậy, bạn không nên ăn quá hai lần/tuần.
Ngoài ra, khi đi mua tiết phải chú ý mua đúng loại được đảm bảo an toàn thực phẩm, không nên ăn tiết còn sống.
*Theo Health/EP
Vân Hồng