Thêm một bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong vì viêm phổi nặng
Tối ngày 10/8, Bộ Y tế công bố thêm 1 bệnh nhân Covid-19 qua đời. Đây là trường hợp không qua khỏi do Covid-19 thứ 15 kể từ khi đại dịch xảy ra tại Việt Nam.
Bệnh nhân 522 (BN 522): bệnh nhân nam, 68 tuổi, địa chỉ: Thăng Bình, Quảng Nam.
Tiền sử: :Suy thận mạn tính, ung thư thận di căn phổi, đái tháo đường type 2.
Chẩn đoán tử vong: Viêm phổi nặng do COVID-19, biến chứng suy hô hấp nặng, tắc động mạch phổi trên bệnh nhân ung thư thận, di căn bàng quang và phổi, suy thận mạn tính, đái tháo đường type 2.
Như vậy, tính đến thời điểm này, có 15 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta tử vong đó là các bệnh nhân (BN496, BN426, BN429, BN524, BN475, BN499, BN428, BN437, BN 651, BN 718, BN456, BN430, BN737, BN436 và BN 522).
Hầu hết các ca tử vong đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi...
Nữ hành khách tại Hà Nội dương tính với COVID-19 khi đến Nhật Bản
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội (CDC Hà Nội) cho biết, trung tâm đã nhận được thông tin từ phía Nhật Bản báo cáo về trường hợp nữ hành khách 29 tuổi, đáp chuyến bay NH898 ngày 8/8 từ Hà Nội đi Tokyo, dương tính với SARS-CoV-2.
Cụ thể, nữ hành khách này là Đ.T.A., sinh năm 1991, ngồi ghế 23K trên chuyến bay NH898 Hà Nội - Narita, cất cánh lúc 14h ngày 8/8.
Phía Nhật Bản thực hiện test nhanh kháng nguyên với vị nữ hành khách nói trên. Ông Tuấn cho biết, dù độ chính xác của test này khá cao, song các đơn vị của Việt Nam đang phối hợp với Nhật Bản để xác nhận lại kết quả trong trường hợp họ làm xét nghiệm khẳng định.
Ông Tuấn thông tin, nữ hành khách nói trên sinh sống ở Hà Nội. Ngay khi nắm được thông tin, CDC Hà Nội đã kích hoạt hệ thống, điều tra giám sát dịch tễ, hiện đã có trong tay danh sách F1, F2.
Bộ Công an không đồng ý đề xuất tiếp tục dùng sổ hộ khẩu đến hết năm 2025
Sáng ngày 10/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ 47. Trong ngày làm việc đầu tiên, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau củadự án Luật Cư trú (sửa đổi).
Một trong những vấn đề lớn cơ quan thẩm tra dự án luật xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khi giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo là nội dung liên quan đến thời điểm có hiệu lực của luật và quy định chuyển tiếp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, đại diện cơ quan thẩm tra, cho biết có ý kiến băn khoăn về tính khả thi của phương thức quản lý này và cho rằng, quy định thời điểm có hiệu lực của luật từ ngày 1/7/2021 là “không đủ thời gian để bảo đảm các cơ sở dữ liệu liên quan có thể hoàn thiện và vận hành ngay được trên thực tế”.
Theo đó, sau khi bày tỏ quan điểm của mình về phương thức quản lý cư trú mới, Thường trực UBPL đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) quy định một thời kỳ chuyển tiếp, cho phép sử dụng sở hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp song song với hệ thống điện tử cho tới hết 31/12/2025.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị giữ nguyên phương án mà Chính phủ đã trình là mọi điều khoản của Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ 1/7/2021.
“Chúng tôi là cơ quan chủ trì thấy hoàn toàn có đủ khả năng, điều kiện. Chúng tôi nghĩ tất cả các cơ quan có sự phối hợp để thực hiện thì sẽ có đủ điều kiện thời gian và các điều kiện khác. Ở đây cũng đòi hỏi Quốc hội có nghị quyết thống nhất như vậy, đòi hỏi các cơ quan phối hợp” - ông Tô Lâm nói.
Cũng theo Đại tướng Tô Lâm, việc vẫn lưu lại sổ hộ khẩu đến năm 2025 là không phù hợp, không thực tế.
“Đây là sự thay đổi rất căn bản, là mong muốn của nhân dân. Bây giờ lại kéo dài thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa thì quyết tâm thực hiện không cao” - Bộ trưởng Công an nhận xét.
Miền Bắc sắp hứng mưa lớn diện rộng kéo dài
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng nay (11/8), bão số 3 đã đổ bộ vào tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 110km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi sâu vào đất liền tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó thành vùng áp thấp.
Trên đất liền Việt Nam, hôm nay (11/8), do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng phơn nên ở khu vực nam Sơn La, Hòa Bình, trung du và đồng bằng Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ tiếp tục có nắng nóng với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C; vùng núi Bắc và Trung Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-38 độ C, có nơi trên 38 độ C.
Khu vực Hà Nội hôm nay và ngày mai (12/8), có nắng nóng với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, đợt nắng nóng ở các tỉnh nam Sơn La, Hòa Bình, trung du và đồng bằng Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến ngày mai (12/8). Ở các tỉnh Trung Bộ nắng nóng diện rộng có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 13/8.
Từ khoảng chiều tối và đêm nay (11/8), do ảnh hưởng của hội tụ gió trên mực 5.000m nên ở Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, riêng khu vực Tây Bắc và Việt Bắc có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to (lượng mưa 20-50mm/12h, có nơi trên 70mm/12h). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Sau đó, từ khoảng đêm 12/8 trở đi, ở Bắc Bộ sẽ xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng kéo dài, khu vực Tây Bắc và Việt Bắc có khả năng xảy ra mưa to đến rất to.