Hà Nội xuất hiện ca mắc Covid-19 chưa rõ nguồn lây nhiễm
Theo bản tin lúc 18h00 ngày 12/8 được Bộ Y tế công bố, Hà Nội vừa ghi nhận thêm một ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Bệnh nhân là nam giới, 63 tuổi ở Bình Giang, Hải Dương.
Ngày 27/7, bệnh nhân xuất hiện tức ngực, được con đưa đi khám tại phòng khám tư 36 Ngô Quyền, phường Phạm Ngũ Lão, Hải Dương, chẩn đoán trào ngược dạ dày.
Ngày 30/7 có biểu hiện sốt nhẹ, ngày 3/8 bệnh nhân đi xe buýt từ huyện Bình Giang lên TP Hải Dương dự đám cưới.
Ngày 8/8 được con đưa đến Bệnh viện Trung ương quân đội 108 để khám bệnh và được chẩn đoán viêm phổi, kê đơn về điều trị tại nhà.
Sau khi khám xong, bệnh nhân về nhà con gái tại xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì. Ngày 9/8, bệnh nhân xuất hiện mệt nhiều, sốt 38 độ, tức ngực, khó thở. Gia đình đưa đến khám tại Bệnh viện Thanh Nhàn.
Tại bệnh viện, kết quả xét nghiệm lần đầu là âm tính. Ngày 11/8, tiến hành lấy mẫu lần 2, kết quả xét nghiệm Bệnh viện Thanh Nhàn và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội đều dương tính với SARS-CoV-2.
Theo điều tra ban đầu, bệnh nhân không có mối quan hệ liên hệ với vùng dịch Đà Nẵng, chưa rõ nguồn lây bệnh.
Hà Nội đã chỉ đạo truy vết điều tra toàn bộ F1, F2, khoanh vùng xử lý nơi ở, quán bia, gia đình bệnh nhân đã cư trú, làm việc với Bệnh viện Trung ương quân đội 108 và Bệnh viện Thanh Nhàn. Theo báo cáo của hai bệnh viện, bệnh nhân được quản lý đúng theo quy trình, hướng dẫn, phân luồng khám chữa bệnh theo quy định.
Hà Nội cấm một số tuyến đường phục vụ Lễ Quốc tang Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu
Các tuyến đường trong diện tạm cấm:
Từ 06h00’ ngày 14/8/2020 đến 13h00’ ngày 15/8/2020, cấm triệt để các phương tiện (trừ xe có phù hiệu bảo vệ, xe phục vụ Lễ Quốc tang) trên các tuyến đường: Tăng Bạt Hổ, Phạm Đình Hổ, Nguyễn Công Trứ (đoạn từ Trần Thánh Tông đến Lò Đúc), YecXanh, Trần Thánh Tông, Nguyễn Huy Tự, Lê Quý Đôn (đoạn từ Nguyễn Cao đến YecXanh), Nguyễn Cao (đoạn từ Lò Đúc đến Lê Quý Đôn), Hàn Thuyên, Hàng Chuối (đoạn từ Hàn Thuyên đến Nguyễn Công Trứ).
Các tuyến đường trong diện hạn chế:
Từ 06h00’ ngày 14/8/2020 đến 13h00’ ngày 15/8/2020, hạn chế các xe ô tô chở hàng có khối lượng hàng hóa chuyên chở từ 500 kg trở lên, xe ô tô chở khách từ 25 chỗ trở lên (trừ xe buýt, xe thu gom rác, xe giải quyết sự cố, xe có phù hiệu bảo vệ, xe phục vụ Lễ Quốc tang) trên một số tuyến đường: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Lê Thánh Tông, Lò Đúc, Nguyễn Công Trứ (đoạn từ Lò Đúc đến Phố Huế), Trần Khánh Dư, đê Nguyễn Khoái, đê 401, Ngô Thì Nhậm, Lê Thánh Tông.
Từ 11h30’ đến 15h00’ ngày 15/8/2020, hạn chế các phương tiện lưu thông trên tuyến Lê Thánh Tông - Quảng trường Cách mạng Tháng tám - Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi – Điện Biên Phủ - Trần Phú – Kim Mã – Đào Tấn – Nguyễn Khánh Toàn – Nguyễn Văn Huyên (đoạn từ Nguyễn Khánh Toàn – Nguyễn Văn Huyên đến Nguyễn Văn Huyên – Cầu Giấy) – Cầu Giấy - Xuân Thủy – Hồ Tùng Mậu (đoạn từ Xuân Thủy – Hồ Tùng Mậu đến Hồ Tùng Mậu – Nguyễn Cơ Thạch).
Đối với các tuyến phố khác, các phương tiện chấp hành theo Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND ngày 25/01/2013 của UBND thành phố Hà Nội quy định về hoạt động của các phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đề xuất gắn chip lên thẻ căn cước công dân
Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10-8 vừa qua, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết bộ này đang đề xuất gắn chip điện tử vào thẻ căn cước công dân (CCCD) thay vì mã vạch như hiện nay.
Theo bộ trưởng Bộ Công an, việc gắn chip giúp truy vấn thông tin nhanh, thuận lợi hơn. Thẻ CCCD cũng sẽ được tích hợp thêm dữ liệu của công dân như bằng lái xe, thẻ bảo hiểm y tế… để có thể sử dụng cho nhiều giao dịch, giải quyết nhiều thủ tục.
Theo dự kiến, đến tháng 7/2021, Bộ Công an sẽ thực hiện cấp được 50 triệu thẻ CCCD. Bộ này đang tính toán phương án thuê in thẻ nhằm rút ngắn thời gian xây dựng cũng như giảm chi phí.
Bộ Công an dự kiến trường hợp được Chính phủ, Quốc hội chấp thuận cấp thẻ gắn chip, các đơn vị sẽ cấp cho công dân đủ 14 tuổi trở lên hay những người cấp lần đầu. Những người đã có thẻ căn cước công dân có mã vạch thì không bắt buộc đổi sang thẻ gắn chip khi chưa hết hạn.
Cách ly 9 y bác sĩ Hà Nội tiếp xúc người nhiễm nCoV
Bệnh viện 108 hôm nay thông báo bệnh nhân 63 tuổi ở huyện Bình Giang, Hải Dương cùng vợ đến khám tại bệnh viện hôm 8/8. Bệnh nhân được phân luồng ngay từ cổng và đưa thẳng vào Phòng khám Covid-19 sàng lọc riêng biệt. Tại đây, bác sĩ khám và cho xét nghiệm máu, chụp Xquang tim phổi, tất cả đều thực hiện tại chỗ.
Kết quả cho thấy bạch cầu tăng cao, X-quang có tổn thương phổi, chẩn đoán sơ bộ là theo dõi giãn phế quản, phế nang hai bên phổi. Bác sĩ của phòng khám đã giải thích cho bệnh nhân về việc chuyển tuyến điều trị. Ngay sau đó, bệnh nhân rời khỏi bệnh viện và không khám ở bất kỳ địa điểm nào khác trong viện.
Như vậy, tại Bệnh viện 108, bệnh nhân chỉ tiếp xúc với bác sĩ, điều dưỡng của phòng khám Covid-19. Trong quá trình thăm khám, tiếp xúc với bệnh nhân, các nhân viên y tế luôn mang mặc đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân và tuân thủ các biện pháp phòng dịch, kiểm soát nhiễm khuẩn đúng quy định, được xác định không phải là F1.
Tuy nhiên, lãnh đạo bệnh viện cho biết, các nhân viên này vẫn được cách ly tại khu vực riêng của bệnh viện để đảm bảo an toàn và được lấy mẫu xét nghiệm nCoV.
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, 6 F1 gồm 5 nhân viên y tế và người con trai chăm sóc bệnh nhân cũng được lấy mẫu, đang cách ly.
Ngành y tế Hà Nội đã rà soát được 12 F1, 62 F2 tại cộng đồng có tiếp xúc với bệnh nhân này. Trong đó, 11 trường hợp tại Thanh Trì, một tại Thường Tín. 11 trường hợp cách ly tập trung tại Cao đẳng nghề Công nghệ Cao Nam Từ Liêm. Một tại bệnh viện Hà Đông. Hiện, họ chưa có kết quả xét nghiệm.
Sở Y tế Hà Nội đang tiếp tục điều tra lịch trình di chuyển của bệnh nhân, rà soát những người có liên quan, tiếp xúc với bệnh nhân để cách ly, theo dõi sức khỏe.