Theo tin tức trên Tổ quốc, Zingnews.vn, chiều 12/8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội đã thông tin về trường hợp bệnh nhân Covid-19 số 867 (ở Hải Dương, khám bệnh tại Hà Nội mới phát hiện bệnh).
Báo cáo tại cuộc họp trực tuyến về phòng chống dịch của Thường trực Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, trong vòng một tháng, bệnh nhân không đi ra khỏi địa bàn Hải Dương.
Cơ quan chức năng huyện Thanh Trì phong toả quan bia Lộc Vừng, nơi BN ghé qua. Ảnh: TQ
Đáng chú ý, theo ông Quý, điều tra ban đầu cho thấy bệnh nhân không có mối quan hệ liên hệ với vùng dịch Đà Nẵng, chưa rõ nguồn lây bệnh.
Từ khi bệnh nhân vào bệnh viện, được quản lý chặt chẽ, xét nghiệm lần đầu tại bệnh viện âm tính, vì vậy khả năng lây lan ra cộng đồng trước đó cũng sẽ hạn chế.
Theo lãnh đạo UBND huyện Thanh Trì cho biết, ngay khi nhận được thông tin, các lực lượng chức năng của huyện đã thức trắng đêm để truy vết những trường hợp liên quan.
Công an xã Tứ Hiệp cùng dân phòng, nhân viên y tế lập chốt 24/24h trước cửa quán bia. Ảnh: FB
Kết quả, bước đầu xác minh 14 trường hợp F1, tất cả các trường hợp này đã được đưa đi cách ly, bên cạnh đó đưa đi cách ly 1 trường hợp nghi ngờ; đến nay có kết quả 14/15 trường hợp âm tính. Ngành y tế huyện cũng tiếp tục điều tra 8 trường hợp F2 và các trường hợp tiếp xúc gần…
Báo cáo thêm về trường hợp này, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, đến nay chưa xác định được yếu tố dịch tễ và nguồn lây (F0) của ca này.
Sở Y tế Hà Nội đề nghị những người từng đến quán bia Lộc Vừng từ 10h30 ngày 8/8 đến 21h ngày 9/8, liên hệ ngay với cơ quan y tế nơi cư trú để được tư vấn, hỗ trợ. Ảnh: LĐ
"Theo thống kê có khoảng 50% các trường hợp mắc không có triệu chứng lâm sàng, những yếu tố trên làm tăng nguy cơ dịch lây lan trong cộng đồng có thể xuất hiện những ca mắc mới trong những ngày tới.
Tiếp đó, CDC Hà Nội thông tin thêm lịch trình đi lại, khám chữa bệnh của bệnh nhân rất phức tạp, khó xác định thời điểm lây nhiễm", lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội nêu rõ.
Về việc liên tiếp có các ca bệnh mới liên quan đến bệnh viện, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, các cơ sở y tế cần thực hiện nghiêm túc hơn quy trình phòng chống dịch. "BN 867 khi đi khám được chẩn đoán viêm phổi rồi cấp thuốc cho về là rất nguy hiểm", ông Hiền dẫn chứng.
Liên quan đến ca bệnh này và việc một hành khách người Hà Nội phát hiện dương tính khi bay sang Nhật Bản, PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng (Bộ Y tế), cho rằng, Hà Nội phải lưu ý xem có xét nghiệm ca mắc ở cộng đồng tại Hà Nội hay không. Bởi theo ông Phu, "Đà Nẵng, Hà Nội, hay TP.HCM nguy cơ giống nhau".
Nói về ca bệnh 867, ông Phu nêu rõ, cần làm rõ xem bệnh nhân này bị lây nhiễm ở Hải Dương hay Hà Nội vì trường hợp bệnh nhân này "rất đáng lo ngại".
"Ca bệnh người Hải Dương chưa biết lây ở đâu, Hà Nội hay Hải Dương? Nếu lây ở Hải Dương thì Hà Nội đỡ lo. Nếu lây ở Hà Nội rất đáng lo.
Bắt được ca lây bệnh này rồi cũng chưa chắc là F0, mà càng bị nhiều chu kỳ dịch thì tính số ca lây nhiễm ở cộng đồng càng lớn.
Nếu lây ở Hà Nội phải đặt vấn đề nên phải kiểm tra các yếu tố dịch tễ khác, không nói tìm ra F0, nhưng phải tìm ra yếu tố lây nhiễm khác ở Hà Nội có chưa", ông Phu nói và cảnh báo Hà Nội phải tính đến việc xét nghiệm trên diện rộng có chỉ định. Việc này ngành y tế phải tham mưu cho UBND thành phố, có kế hoạch cụ thể.
Ông Phu đề nghị, không chỉ xét nghiệm F1 mà các trường hợp sốt, ho là chỉ định. Hà Nội cần "chú ý phòng dịch ở các trung tâm dưỡng lão".