Bắc Bộ nắng nóng gay gắt, có nơi đến 39 độ C
Ngày hôm qua (16/7), ở các tỉnh Bắc Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ, có nơi trên 39 độ.
Dự báo: Ngày hôm nay (17/7), do ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng phơn nên ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; riêng các tỉnh trung du, đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ, có nơi trên 39 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày phổ biến 40-55%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 10-18 giờ.
Khu vực Hà Nội: Ngày hôm nay (17/7), có nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-38 độ, có nơi trên 38 độ. Nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt có khả năng kéo dài đến ngày 19/7 với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-39 độ.
Cảnh báo: Ngày 18-19/7 nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt có khả năng gia tăng ở Bắc Bộ. Các tỉnh Trung Bộ nắng nóng còn có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới.
Lý giải nguyên nhân khiến người dân Nam Sơn chặn xe chở rác
Từ đêm 12/7, người dân xã Hồng Kỳ và xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) đã chặn xe rác di chuyển từ nội thành vào bãi rác Nam Sơn. Lý do họ đưa ra là chưa thỏa thuận được mức đền bù và phương án di dời cũng chưa được hợp lý.
Đây là lần thứ 6 trong vòng 3 năm liên tiếp người dân tiến hành chặn xe di chuyển vào bãi rác Nam Sơn. Việc chi trả kéo dài và thỏa thuận đền bù không thành khiến việc chặn xe rác tiếp diễn từ năm này qua năm khác.
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết hiện việc giải tỏa đền bù cũng như di dời người dân trong bán kính chịu ảnh hưởng của khu xử lý chất thải gặp rất nhiều khó khăn và chỉ ra 3 vướng mắc.
"Vướng mắc thứ nhất là giá và đất nhà tái định cư đã được thành phố bố trí xong. Thứ hai là kinh phí cho việc tái định cư thành phố đã đảm bảo đủ. Vấn đề thứ 3, cũng là vướng mắc nhất hiện nay là hạn định nguồn gốc đất", ông Chung nói.
Theo Chủ tịch Hà Nội, giai đoạn 1, thành phố xác định nguồn gốc đất của người dân để đền bù theo các vùng là trong bán kính từ 0 m đến 1.000 m; từ 1.000 m trở lên và từ 1.200 m trở lên. Tuy nhiên, hiện tại thành phố lại quy định lại, bồi thường cho nhà người dân trong bán kính 400 m, còn trên 400 m thì chỉ nhận được hỗ trợ.
Vì vậy, các công trình, tài sản trên đất ở trên 400 m đang chỉ được nhận mức hỗ trợ thấp hơn nên người dân không đồng tình. Ông Chung cho hay thành phố đang nỗ lực đối thoại, giải quyết cùng với người dân trên tinh thần cơ chế Chính sách nào tốt nhất cho dân thì thành phố sẽ thực hiện.
Nhấn mạnh thành phố không hẹp hòi gì trong vấn đề chính sách, song, Chủ tịch Hà Nội cho hay có những quy định của pháp luật bắt buộc phải có cấp cao hơn quyết định thì mới triển khai được. "TP sẽ cố gắng xử lý vấn đề này trong thời gian sớm nhất", ông Chung nói.
Phát hiện cánh tay của tượng thần ở Sóc Trăng
Sáng 17/7, các bé trai ở ấp Phước Thuận, xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) ra ruộng trước chùa Bốn Mặt chơi đã phát hiện một cánh tay của tượng đá được cho là thần bảo hộ Vishnu. Ban Quản trị chùa Bốn Mặt đã mang cánh tay này vào đặt phía trước pho tượng đang được trưng bày.
Ông La Thông, Trưởng ban Quản trị chùa Bốn Mặt, cho biết tượng và cánh tay vừa phát hiện có chất liệu bằng đá. Ban Quản trị cho người dùng dầu dừa quét lên nên tượng và cánh tay đặt rời phía dưới có màu đen bóng.
Ông Ngô Thanh Toàn, Phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành, thông tin cánh tay được phát hiện nằm ở khu vực xuất hiện pho tượng. Cơ quan chức năng đang thành lập hội đồng để thẩm định niên đại của tượng này.
“Đây là tượng thần Vishnu. Chúng tôi đã cử lực lượng phối hợp với nhà chùa khuyến cáo bà con giữ gìn an ninh trật tự và tránh xảy ra mê tín”, ông Toàn nói.
Hỗ trợ giáo viên tư thục bị ảnh hưởng dịch Covid-19 1,8 triệu/tháng
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội sáng 16/7, chia sẻ với Tiền Phong, ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội (LĐTB&XH), cho biết sẽ mở rộng đối tượng nhận gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng đối với giáo việc tư thục.
Theo ông Quân, ngay sau khi Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH về việc giảm điều kiện và mở rộng đối tượng trong Nghị quyết 42, chiều 15/7, Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đạo tạo, đề nghị cung cấp số liệu về giáo viên tư thục cũng như đánh giá tác động của Covid-19 đối với giáo viên tư thục.
Theo rà soát, số lượng giáo viên tư thục ở các cấp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 có khoảng 30.000-50.000 người. Bộ sẽ bổ sung những đối tượng này vào nhóm hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người mỗi tháng và tùy mức độ ảnh hưởng, giáo viên tư thục có thể được hỗ trợ từ 1 tháng đến tối đa 3 tháng.
Ông Quân cho biết qua rà soát, số giáo viên này tập trung phần lớn ở bậc mầm non, bởi trong mấy tháng nghỉ học, các trường hầu như không thu được học phí. Còn ở bậc cao hơn như THCS, THPT, khối CĐ, ĐH hay trường nghề, sinh viên nghỉ học không dài nên các trường vẫn có nguồn thu học phí.
“Còn doanh nghiệp sẽ không cần chứng minh khó khăn tài chính như trước đây. Thời gian ngừng việc của lao động cũng nới rộng ra từ ngày 1/1 đến ngày 31/12, thay vì từ ngày 1/4 đến 30/6 như trước. Doanh nghiệp không cần phải trả trước 50% lương ngừng việc và giải ngân trực tiếp cho người lao động”, Thứ trưởng Lê Quân cho hay.
Với đề xuất này, ông Quân cho biết Bộ LĐ-TB&XH sẽ hướng tới những doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, nhưng vẫn muốn giữ chân người lao động nhằm khuyến khích các doanh nghiệp hạn chế sa thải lao động.
Tuy nhiên, theo ông Quân, những nội dung trên mới chỉ là đề xuất, Bộ LĐ-TB&XH sẽ xin thêm ý kiến của các đơn vị như Bộ Tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nhà nước… Trên cơ sở đó, Bộ LĐ-TB&XH sẽ có tờ trình lên Chính phủ sửa đổi Nghị quyết 42 và Quyết định 15.