Xuất hiện ổ dịch mới, Hải Dương tạm dừng hoạt động nhiều dịch vụ
Ngày 24/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương xác nhận có 2 ca mắc Covid-19 mới, đó là BN1021, nam, 8 tuổi, thường trú ngã tư Thanh Xá, Liên Hồng, TP. Hải Dương, là con trai của BN1016 và BN1022, nữ, 63 tuổi, thường trú ngã tư Thanh Xá, là mẹ đẻ của BN1016.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại cửa hàng Hiếu Trang tại ngã tư Thanh Xá đã phát hiện 3 ca mắc COVID-19. Đây là ổ dịch mới ở thành phố này.
Sau khi phát hiện 3 bệnh nhân nhiễm COVID-19 liên quan đến cửa hàng Hiếu Trang, UBND TP. Hải Dương đã quyết định áp dụng bổ sung các biện pháp chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch COVID-19 tại thành phố.
Cụ thể, tạm đình chỉ tất cả các dịch vụ, kinh doanh hàng ăn, uống, thực phẩm chế biến sẵn có thể dùng được ngay, đồ ăn nhanh không bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh như bún, bánh mỳ, thức ăn chế biến sẵn... tại các chợ.
Các dịch vụ, cửa hàng kinh doanh hàng hóa không thiết yếu và dịch vụ giao hàng tận nhà đối với các loại hàng hóa này,trừ các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, cơ sở cung cấp xuất ăn tập thể được phép hoạt động… cũng bị tạm đình chỉ.
UBND TP. Hải Dương yêu cầu người dân không ra ngoài đường từ 22h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau, trừ trường hợp thật cần thiết và có lý do chính đáng. Không thực hiện các hoạt động thể dục, thể thao tại nơi công cộng và các hoạt động khác theo quyết định của UBND tỉnh cho đến khi có thông báo mới.
Bệnh nhân COVID-19 đang điều trị ở Hà Nội diễn biến nặng, phức tạp
Bác sĩ Võ Đức Linh, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, tổn thương phổi của bệnh nhân (BN) BN793 (nam, 58 tuổi, ở Bắc Giang) hiện rất nặng và phức tạp hơn trường hợp BN812 trước đây.
Sau khoảng 2 tuần điều trị, tổn thương phổi của người bệnh vẫn đang diến biến nặng lên. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn bội nhiễm thêm các vi khuẩn, nấm.
"Đến hôm qua 24/8, phổi của bệnh nhân tiếp tục xấu đi, cơ hô hấp yếu dẫn đến suy hô hấp nặng, phải chuyển từ thở máy không xâm nhập sang thở máy xâm nhập qua ống nội khí quản" - bác sĩ điều trị cho biết.
Theo các bác sĩ, tình trạng diễn biến xấu của bệnh nhân có thể do virus SARS-CoV-2 hoặc do người bệnh suy giảm miễn dịch, dễ nhiễm các căn nguyên khác như vi khuẩn, nấm... Các bác sĩ đang nỗ lực tìm nguyên nhân chính để xử lý.
Hiện tại, bệnh nhân đã được dùng kháng sinh và kháng nấm bên cạnh việc duy trì thở máy, theo dõi sát tình trạng hô hấp, huyết động…
Bác sĩ Phạm Văn Phúc - Khoa Hồi sức tích cực cho biết thêm, về tiên lượng, các bác sĩ chưa thể khẳng định điều gì với trường hợp này: “Bệnh nhân vừa được đặt ống thở máy, quan trọng nhất là trong những ngày tới có đáp ứng thở máy hay không. Song song với việc điều trị, các bác sĩ vẫn đang tiếp tục làm các xét nghiệm tìm nguyên nhân để kịp thời khu trú”.
Thông tin mới về sức khỏe bệnh nahan mang rắn hổ mang chúa "khủng" gần 5kg đến bệnh viện cấp cứu
Sáng 24/8, bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang (khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy), cho biết tình hình sức khỏe bệnh nhân P.V.T. (48 tuổi, quê Tây Ninh) bị rắn hổ mang chúa cắn đã ổn định hơn nhưng tiên lượng vẫn còn nặng.
Theo bác sĩ Sang, đến 10h hôm nay, bệnh nhân T. được lọc thận chậm liên tục, thở máy và duy trì an thần tại khoa Hồi sức cấp cứu (ICU).
Tình trạng huyết động ổn định, men tim của bệnh nhân đang có xu hướng giảm nhưng phần hoại tử quanh nơi bị rắn cắn còn nhiều.
“Tình hình của bệnh nhân vẫn còn nặng và cần chờ thêm vài ngày tới để theo dõi diễn biến. Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đã chỉ đạo vận dụng hết mọi phương tiện tiên tiến nhất để cứu chữa cho bệnh nhân”, bác sĩ Sang nói.
Trước đó, ngày 23/8, trao đổi trên Thanh Niên, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết bệnh nhân bị rắn hổ chúa cắn, đã được chuyển từ khu vực hồi sức cấp cứu khoa bệnh nhiệt đới sang khoa hồi sức cấp cứu (ICU) do tình trạng bệnh nặng lên.
Theo bác sĩ Thức, bệnh nhân bị nọc độc rắn hổ chúa tấn công vào tim gây viêm cơ tim. Ngoài ra, vết thương do rắn cắn ở đùi bệnh nhân bị nhiễm trùng, hoại tử dẫn đến suy đa cơ quan như gan, thận... Bệnh viện Chợ Rẫy đang tập trung toàn lực để cứu bệnh nhân, nhưng tiên lượng là rất nặng.
Trước đó, ngày 19/8, khi đang làm vườn ở xã Suối Đá (huyện Dương Minh Châu, khu vực giáp ranh núi Bà Đen, Tây Ninh), anh T. phát hiện con rắn lớn thì chụp bắt nhưng đã bị con rắn cắn vào đùi.
Sau đó gia đình đưa anh cùng con rắn đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh rồi chuyển xuống Bệnh viện Chợ Rẫy. Con rắn cắn anh T. được xác định là hổ chúa, cân nặng gần 5 kg, dài 2,5 mét.
Tin vui về bé sơ sinh bị bỏ giữa khe tường nhà ở Hà Nội
Ngày 24/8, ông Ngô Quốc Trịnh – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, bé sơ sinh bị bỏ rơi giữa khe tường nhà đã có người thân đến làm thủ tục nhận cháu.
“Ông ngoại cháu bé đến nhận, ngày 21/8, chúng tôi đã giao cho lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm ADN”, ông Trịnh nói.
Theo ông Trịnh, khoảng 10 ngày nữa sẽ có kết quả xét nghiệm AND. Nếu kết quả chứng minh giữa 2 người có mối quan hệ, chính quyền sẽ dẫn người nhà vào bệnh viện để tiếp tục làm thủ tục nhận cháu bé.
Ngoài ra, ông Trịnh cũng cho biết, khi có người thân cháu bé đến nhận chính quyền rất vui. Chính quyền mong muốn kết quả xét nghiệm cùng huyết thống để cháu bé được chính người thân chăm sóc, giáo dục.
Về phía Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, tình hình sức khoẻ của cháu bé tiến triển tốt. Tình trạng nhiễm khuẩn của bé đã giảm hơn rất nhiều. Bé khoẻ hơn và đã tự bú bình thường. Bé không phải thở oxy và cũng không phải nuôi qua đường tĩnh mạch.
Trước đó, vào khoảng 17h30 ngày 18/8, tại ngõ 174 thị trấn Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội), người dân phát hiện một bé sơ sinh nặng 2,2kg, còn nguyên dây rốn bị bỏ rơi trong khe nhỏ giữa 2 tường nhà dân.
Cháu bé sau đó được người dân và lực lượng chức năng cứu, đưa tới Bệnh viện huyện Gia Lâm.
Tuy nhiên, nhận thấy nhịp tim của cháu hơi yếu nên các bác sĩ Bệnh viện Gia Lâm đã cho chuyển sang Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.