Phản ứng của thế giới về vụ bắt giữ ông chủ WikiLeaks
Cảnh sát Anh hôm nay xác nhận đã bắt giữ nhà sáng lập WikiLeaks Juan Assange tại Đại sứ quán Ecuador ở London sau khi chính phủ Ecuador ngừng cấp cơ chế tị nạn cho ông Assange sau gần 7 năm.
Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt đã gửi lời cảm ơn đến Tổng thống Ecuador Lenin Moreno sau khi chính quyền của ông chấm dứt quy chế tị nạn cho ông Assange. "Không ai được phép đứng trên pháp luật", Ngoại trưởng Hunt viết trên Twitter.
Thứ trưởng Ngoại giao Anh Alan Duncan cũng bình luận với Sky News rằng: "Đây là Chính sách chung của Anh cho tất cả các trường hợp, do vậy nó cũng được áp dụng với Julian Assange, ông ấy sẽ không bị dẫn độ đến quốc gia nào mà phải chịu án tử hình".
Phản ứng trước thông tin chủ nhân WikiLeaks bị bắt giữ, người phát ngôn Ủy ban châu Âu Margaritis Schinas cho biết, Liên minh châu Âu sẽ theo dõi sát vụ việc.
Trong khi đó, cơ quan công tố Thụy Điển cho biết họ cân nhắc mở lại cuộc điều tra nhằm vào ông Assange trước các cáo buộc tấn công tình dục.
Từ Australia, Ngoại trưởng Marise Payne cho biết, chính phủ nước này sẽ tìm cách tiếp cận lãnh sự quán với Assange, một công dân của Australia.
Bộ Tư pháp Mỹ cũng đưa ra thông cáo cáo buộc Julian Assange thông đồng với người cung cấp thông tin Chelsea Manning xâm nhập vào máy tính của Bộ Quốc phòng Mỹ để truy cập thông tin mật, dẫn đến "một trong những vụ rò rỉ thông tin mật lớn nhất trong lịch sử Mỹ" năm 2010.
Triều Tiên thay hai quan chức cấp cao để thúc đẩy kinh kế, ngoại giao
Hãng KCNA đưa tin ông Choe Ryong-hae được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tối cao của Triều Tiên, thay ông Kim Yong-nam tại phiên họp của cơ quan này hôm 11/4. Người giữ vị trí này được coi là nguyên thủ quốc gia của Triều Tiên và thường đại diện cho đất nước tại các sự kiện ngoại giao. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng quyền lực thực sự vẫn tập trung trong tay nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Từ đầu năm 2018, ông Kim bắt đầu thúc đẩy phát triển kinh tế và giao lưu quốc tế, bao gồm các hội nghị thượng đỉnh lịch sử với các nhà lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc và Hàn quốc.
Ông Kim Yong-nam, sinh năm 1928, là một trong những quan chức cấp cao phục vụ lâu nhất. Theo dữ liệu của Bộ thống nhất Hàn Quốc, ông đã giữ vị trí này từ năm 1998.
Người kế nhiệm ông, Choe Ryong-hae, trước đây từng phải đi "cải tạo" chính trị. Tuy nhiên, những năm gần đây ông Choe đã giành lại được tầm ảnh hưởng. Theo các quan chức tình báo Hàn Quốc, ông được đề bạt vào làm tại Ủy ban Quân sự Trung ương của Đảng Lao động vào tháng 10/2017.
Ông Pak Pong-ju là thủ tướng đương nhiệm của Triều Tiên và sẽ được thay thế bởi ông Kim Jae-ryong. Theo các nhà phân tích tại website giám sát Triều Tiên NK News, ông Pak đã giúp quản lý quá trình "cải cách triệt để" nền kinh tế, giúp Triều Tiên sống sót sau các lệnh trừng phạt.
Trump để ngỏ khả năng gặp thượng đỉnh Kim Jong-un lần ba
"Chúng tôi sẽ thảo luận về điều đó (hội nghị thượng đỉnh lần ba) và các cuộc gặp tiềm năng, các cuộc gặp tiếp theo với Triều Tiên và Kim Jong-un", Tổng thống Mỹ Donald Trump nói tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng hôm 11/4 trước khi hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Trump nhấn mạnh rằng một nghị quyết hòa bình về Triều Tiên vẫn "trong tầm tay" và ông tiếp tục đặt hy vọng vào thương hiệu ngoại giao cá nhân của mình. "Tôi thích các hội nghị thượng đỉnh, tôi thích gặp Chủ tịch Kim", Tổng thống Mỹ nói. "Kim là người mà tôi hiểu rõ, tôn trọng và hy vọng. Tôi thực sự tin rằng thời gian tới, rất nhiều điều lớn lao sẽ xảy ra. Tôi nghĩ rằng Triều Tiên có tiềm năng vô cùng lớn".
Trump gặp thượng đỉnh lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng 6/2018 tại Singapore và hồi cuối tháng 2 tại Hà Nội. Dù Triều Tiên đang phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế, Trump nói rằng ông ủng hộ các động thái viện trợ nhân đạo của Hàn Quốc. "Ngay bây giờ, chúng tôi đang thảo luận về những viện trợ nhân đạo nhất định. Thành thật mà nói tôi thấy chuyện đó rất tốt," Trump nói.
Tổng thống Mỹ lặp lại tuyên bố tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt với Triều Tiên đến khi Bình Nhưỡng hoàn toàn từ bỏ vũ khí hạt nhân, song ông phản đối thắt chặt trừng phạt và đã dừng kế hoạch áp lệnh trừng phạt mới. "Có lựa chọn gia tăng các lệnh trừng phạt nhưng tôi không muốn làm điều đó", Trump cho biết.
Ông Putin úp mở về tên lửa hạt nhân “độc nhất vô nhị”
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 11-4 tiết lộ Moscow sắp trở thành quốc gia sở hữu tên lửa hạt nhân mạnh nhất.
Tự hào về vũ khí mới đáng kinh ngạc, ông Putin tuyên bố những tên lửa đang được phát triển này có thể xâm nhập bất kỳ hệ thống phòng thủ nào. Ông Putin nói rằng tàu mặt nước và tàu ngầm hạt nhân mới sẽ được trang bị các loại vũ khí tối tân, bao gồm tên lửa chống hạm siêu thanh Tsirkon, vốn được đánh giá là chưa có đối thủ trên thế giới về tầm bắn và tốc độ.
Trước đây, Tổng thống Nga hồi năm 2018 từng đề cập về tàu ngầm không người lái dưới nước Poseidon và tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân 9M730 Burevestnik trong diễn văn về tình hình quốc gia.
Thái Lan cáo buộc đại sứ các nước phương Tây can thiệp nội bộ
Bộ Ngoại giao Thái Lan ngày 11/4 đã mạnh mẽ lên án hành động của đại sứ những nước phương Tây cử đại diện đến chứng kiến việc thủ lĩnh đảng Tương lai mới Thanathorn Juangroongruangkit trình diện trước cảnh sát, cáo buộc họ là can thiệp vào công việc nội bộ của Thái Lan và chứng tỏ sự thiên vị.
Một tuyên bố bằng tiếng Thái đăng trên trang chủ của Bộ Ngoại giao Thái Lan đêm 10/4 nêu rõ các đại sứ và quyền đại sứ của Australia, Bỉ, Canada, Phần Lan, Pháp, Đức, New Zealand, Liên minh châu Âu, Hà Lan, Anh và Mỹ đã được mời đến gặp Phó Thư ký Thường trực phụ trách các vấn đề song phương của Bộ Ngoại giao Thái Lan trong hai ngày 10-11/4.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Thái Lan nói rằng hành động này tạo ra một bức tranh mà có thể được hiểu là ủng hộ về mặt tinh thần đối với ông Thanathorn và đứng về phía một đảng trong bối cảnh chính trị Thái Lan hiện nay.
Bộ Ngoại giao Thái Lan cáo buộc hành động này vượt quá vai trò ngoại giao của những người đó, tương đương với việc can thiệp vào công việc nội bộ của Thái Lan và vi phạm nghi thức ngoại giao theo Mục 41 của Công ước Vienna năm 1961.