Mỹ đề nghị Liên Hợp Quốc công nhận "tổng thống tự phong" Venezuela
Reuters cho biết, tại cuộc họp hôm qua của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết, Mỹ đã soạn thảo một nghị quyết và kêu gọi các quốc gia ủng hộ.
"Đã đến lúc Liên Hợp Quốc công nhận tổng thống lâm thời Juan Guaido là tổng thống hợp pháp của Venezuela và cho đại diện của ông ấy một chỗ ngồi trong cơ quan này", Reuters dẫn lời ông Pence.
Khi được hỏi liệu Mỹ có cho rằng họ sẽ có đủ sự ủng hộ ở Liên Hợp Quốc để hạ bệ chính quyền của Tổng thống Maduro hay không, Phó Tổng thống Pence nói: “Tôi nghĩ rằng động lực đứng về phía tự do”.
Tuy nhiên, giới ngoại giao cho rằng, Mỹ sẽ khó lòng nhận được sự ủng hộ cần thiết để thông qua một nghị quyết như vậy tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc gồm 193 thành viên.
Đến nay, hơn 50 quốc gia đã công nhận ông Juan Guaido - thủ lĩnh đối lập và tự xưng là tổng thống lâm thời Venezuela.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia cáo buộc Mỹ đã tự tạo ra một cuộc khủng hoảng nhằm hạ bệ ông Maduro để thay thế bằng “con tốt của chính họ”. Đại sứ Vassily Nebenzia mô tả hành động này là “vô pháp và vi phạm luật pháp quốc tế”.
EU và Anh đồng ý gia hạn Brexit
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết "Anh sẽ có thêm 6 tháng để tìm ra giải pháp tốt nhất có thể".
Một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp đã được triệu tập sau khi Thủ tướng Theresa May yêu cầu trì hoãn thời gian Anh rời khỏi khối. Các nhà lập pháp Anh đã 3 lần từ chối thỏa thuận của bà May nhưng họ cũng không nhận được sự ủng hộ tối đa cho những lựa chọn thay thế. Bà May đã có cuộc hội đàm với lãnh đạo đảng Lao động Jeremy Corbyn với hy vọng tìm ra một kế hoạch thay thế hoặc thỏa hiệp song vẫn chưa có kết quả.
Sau hai năm đàm phán Brexit, Anh dự định rời khỏi EU vào ngày 29/3. Do Nghị viện không ủng hộ thỏa thuận này nên chính phủ đã yêu cầu trì hoãn đến ngày 12/4 để có được sự ủng hộ cho chiến lượng Brexit thay thế. Tuy nhiên, điều đó không thành hiện thực, bà May buộc phải yêu cầu hoãn đến ngày 30/6 để ngăn Anh rời khỏi khối mà chưa có thỏa thuận.
EU đã cảnh báo rằng việc kéo dài thời gian khiến Anh sẽ phải tham gia cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu cuối tháng 5. Anh sẽ bỏ phiếu chọn ra các đại diện cho Nghị viện. Đến khi Anh rời khỏi khối, các thành viên này sẽ ngừng làm việc cho EU.
Chính phủ Ukraine thông qua nghị quyết trừng phạt Nga mới
Hãng Ria Novosti của Nga đưa tin, Chính phủ Ukraine ngày 10/4 đã thông qua nghị quyết trừng phạt Nga mà không cần thảo luận. Hiện danh sách cụ thể những mặt hàng mới nào bị cấm vẫn chưa được thông báo.
Tuy nhiên, theo các phương tiện truyền thông, danh sách các mặt hàng của Nga bị cấm nhập vào Ukraine bao gồm: chai thủy tinh, hộp đựng đồ uống và thực phẩm, nhựa thông, lò xo cho xe tải chở hàng, thiết bị điện cho bộ chuyển đổi sử dụng trong đường sắt tự động hóa…
Năm 2016, Ukraine cũng áp đặt lệnh cấm nhập khẩu từ Nga một số hàng hóa. Cuối năm 2018, trong danh sách các loại hàng hóa Nga bị cấm nhập khẩu vào Ukraine có bột ngô và một số chất glucose dạng bột và si-rô.
Kiev thường xuyên áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống Moscow, cáo buộc Nga can thiệp vào công việc nội bộ của nước này. Hồi tháng 3/2019, một số công ty, doanh nhân, chính khách, nghị sỹ và các nhân vật thuộc các cơ quan quyền lực của Nga đã bị áp đặt biện pháp hạn chế do Kiev khẳng định những người này “có liên quan đến vụ việc ở Eo biển Kerch, tham gia xây dựng cầu Crimea, cũng như tổ chức bầu cử tại các nước Cộng hòa tự xưng ở Donbass”.
Moscow coi những hành động và cáo buộc này của Kiev là không thể chấp nhận được.
Kim Jong -un: Cần giáng đòn vào nước áp lệnh trừng phạt Triều Tiên
Reuters đưa tin cho hay đây là lần đầu tiên ông Kim Jong-un bày tỏ lập trường của Triều Tiên về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 và báo hiệu tiếp tục tập trung phát triển kinh tế.
"Chúng ta phải giáng đòn nghiêm trọng vào các thế lực thù địch đang cố gắng hạ chúng ta bằng các biện pháp trừng phạt", chủ tịch Kim Jong-un phát biểu trong cuộc họp với BCH Trung ương đảng Lao động vào hôm 10/4.
Theo lãnh đạo Triều Tiên để làm được điều này, Bình Nhưỡng cần thúc đầy việc xây dựng xã hội chủ nghĩa đến mức độ tự lực cao, phù hợp với hoàn cảnh nhà nước và dựa trên sức mạnh, công nghệ và tài nguyên của chính nước mình.
Phiên họp đầu tiên của Hội đồng nhân dân Tối cao Triều Tiên khóa 14 sẽ khai mạc ở Bình Nhưỡng vào hôm nay 11/4.
Đây được xem là sự kiện quan trọng được giới quan sát theo dõi sát sao bởi nó phản ánh phương hướng và Chính sách mà Triều Tiên đang hướng đến.
Thủ tướng Israel đắc cử nhiệm kỳ thứ năm
Kết quả kiểm 99% phiếu của cuộc bầu cử ngày 9/4 cho thấy đảng Likud bảo thủ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu giành được 65 trong số 120 ghế của quốc hội. Ông Netanyahu tái đắc cử nhiệm kỳ thứ năm.
Yair Lapid từ đảng Xanh và Trắng, đối thủ chính của Netanyahu, chấp nhận thất bại trong bài phát biểu trên truyền hình: "Chúng tôi đã không chiến thắng trong vòng này. Nhưng phe đối lập chúng tôi sẽ khiến đảng Likud cảm thấy như địa ngục" khi nhiệm kỳ mới của Netanyahu bắt đầu từ tháng 7.
Tổng thống Mỹ Trump gọi điện cho ông Netanyahu để chúc mừng. Lãnh đạo Israel cảm ơn đồng minh Mỹ vì "sự ủng hộ to lớn dành cho Israel".
Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng rằng việc ông Netanyahu tái đắc cử làm gia tăng cơ hội hòa bình giữa Israel và Palestine. "Ông ấy là một đồng minh tuyệt vời và ông ấy còn là một người bạn".
Mỹ gần đây có những động thái có lợi cho Israel như công nhận Jerusalem là thủ đô của nước này, chuyển đại sứ quán về đây cuối năm ngoái và coi Cao nguyên Golan thuộc chủ quyền của Israel hồi tháng ba.