Trung Quốc tuyên bố trả đũa lệnh áp thuế của Trump
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết mếu các biện pháp thuế quan của Mỹ được thực thi, họ sẽ có "những biện pháp đối phó cần thiết". Cảnh báo này được đưa ra khi các quan chức Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị gặp nhau trong hai ngày tới đây.
Ngày 8/5, Tổng thống Trump đã đăng Twitter nói rằng Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc "đang tới Mỹ để thực hiện một thỏa thuận. Chúng ta hãy chờ xem".
Trước đó, ngày 5/5, ông Trump đã viết trên Twitter rằng Mỹ sẽ tăng hơn gấp đôi thuế quan đối với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc vào ngày 10/5 và có thể đưa ra mức thuế mới.
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer sau đó cáo buộc Trung Quốc không tuân thủ các cam kết trong đàm phán thương mại. Tuy nhiên, ông khẳng định vẫn có thể đạt được một thỏa thuận với Bắc Kinh.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm hơn 2% kể từ ngày 5/5 nhưng lại không có phản ứng sau các bình luận của Trung Quốc hôm 8/5. Trong tuyên bố của mình, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết: "Sự leo thang trong cuộc chiến thương mại không mang lại lợi ích cho người dân hai nước và người dân thế giới. Phía Trung Quốc vô cùng tiếc khi phải nói rằng nếu các biện pháp thuế quan của Mỹ được thực thi, Trung Quốc sẽ phải có những biện pháp đối phó cần thiết".
Tổng thống Mỹ tuyên bố Bắc Kinh đang tìm cách đạt được một thỏa thuận thương mại sau khi ông đăng tweet muốn biết lý do Trung Quốc từ bỏ lời hứa của mình. Trump nói nếu một người của đảng Dân chủ được bầu làm tổng thống năm 2020, Bắc Kinh hy vọng chính quyền mới sẽ có đường lối mềm mỏng hơn về thương mại.
Mỹ ra lệnh trừng phạt với kim loại xuất khẩu của Iran
"Hành động hôm nay nhắm vào Doanh thu của Iran từ xuất khẩu kim loại công nghiệp - chiếm 10% kinh tế xuất khẩu của họ. Chúng tôi muốn cảnh báo các quốc gia khác rằng việc cho phép thép và các kim loại khác của Iran vào cảng của các bạn sẽ không còn được chấp nhận nữa", Tổng thống Trump Mỹ ngày 8/5 tuyên bố.
"Chúng tôi sẽ ra thêm động thái với Tehran trừ khi họ thay đổi hành vi", Trump nói thêm.
Tuy nhiên, Trump cũng cho biết ông sẵn sàng đàm phán với Iran. "Tôi mong một ngày nào đó sẽ gặp các lãnh đạo của Iran để đưa ra một thỏa thuận và thực hiện các bước để mang lại cho Iran tương lai mà họ xứng đáng có được".
Tuyên bố được đưa ra vài giờ sau khi Iran quyết định dừng thực hiện một số cam kết theo thỏa thuận hạt nhân ký với các cường quốc năm 2015. Iran không tiếp tục chấp hành các giới hạn mà họ đã cam kết trong việc làm giàu uranium và nước nặng, với lý do biện pháp này là cần thiết để "đảm bảo quyền lợi và lấy lại cân bằng" sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận cách đây một năm.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trước đó cáo buộc Tehran lên kế hoạch cho các cuộc tấn công nhắm vào lực lượng của Washington ở Trung Đông. Lầu Năm Góc triển khai một cụm tác chiến tàu sân bay và một số máy bay ném bom B-52 tới khu vực, trong khi Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton cảnh báo Washington sẽ đáp trả "không khoan nhượng" bất kỳ cuộc tấn công nào của Tehran.
Thỏa thuận hạt nhân được Iran ký với 6 cường quốc gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc vào năm 2015 là kết quả của 15 năm đàm phán ngoại giao. EU thừa nhận mối quan ngại về Iran nhưng họ tin rằng Tehran đang tuân thủ thỏa thuận.
Kẻ đặt dao ở ngăn bàn học muốn đâm hoàng tử Nhật Bản
Kaoru Hasegawa, 56 tuổi, tuần trước bị bắt vì đột nhập vào trường trung học của Hoàng tử Hisahito và để lại hai con dao trong ngăn bàn của cậu bé. Những con dao với phần lưỡi sơn hồng được buộc vào thanh nối chiếc bàn của Hisahito với bàn bên cạnh.
Theo cảnh sát, Hasegawa đã thú nhận rằng mình để lại những con dao vì "không hài lòng với chế độ quân chủ và việc truyền ngôi" của Nhật hoàng. Ông này cho rằng Nhật Bản "sẽ không thể phát triển nếu ở dưới chế độ này".
Nghi phạm thú nhận đã định đâm Hoàng tử Hisahito nhưng cuối cùng chỉ để lại dao để cảnh cáo hoàng tử rằng ông ta đã đến đó. Hasegawa không lý giải nguyên nhân những con dao được sơn hồng và buộc vào thanh nối ở bàn học.
Video từ camera giám sát ở trường cho thấy người đàn ông mặc đồng phục công nhân màu xanh da trời, đội mũ bảo hiểm và đeo găng tay, đột nhập vào trường ngay trước khi những con dao được phát hiện. Theo truyền thông địa phương, ông ta giả dạng một thợ sửa ống nước.
Hisahito và các bạn cùng lớp được cho là đang tham gia giờ học thể chất ngoài trời khi Hasegawa đột nhập vào trường. Ông ta biết chỗ ngồi của hoàng tử vì tên của các học sinh được ghi rõ trên bàn học.
Sự việc xảy ra chỉ ít ngày trước khi bác của Hoàng tử Hisahito là Hoàng Thái tử Naruhito lên ngôi vua. Hisahito hiện là người kế vị ngai vàng thứ hai ở Nhật Bản, sau cha của cậu bé, Hoàng Thái tử Fumihito, 53 tuổi, em trai của tân Nhật hoàng Naruhito.
Theo quy định của Nhật Bản, phụ nữ không được phép giữ ngôi vua nên hoàng tử 12 tuổi là người kế vị trẻ duy nhất của hoàng gia nước này. Chính phủ Nhật Bản từng cân nhắc việc thay đổi điều luật trên nhưng kế hoạch bị hủy sau khi Hisahito chào đời. Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe có thể tái tranh luận về vấn đề này vào cuối năm nay.
Tổng thống Philippines bị tố buôn ma túy
Trong seri 5 video đăng lên mạng có tựa đề "Ang Totoong Narcolist" (Danh sách những kẻ buôn ma túy thực sự), một kẻ có danh xưng Bikoy tuyên bố nắm trong tay bằng chứng ông Duterte cùng gia đình và các trợ lý thân cận tham gia buôn ma túy.
Tổng thống Duterte đã tiến hành một cuộc chiến chống ma túy đẫm máu, khiến hàng ngàn người bị tiêu diệt và đã bị cộng đồng quốc tế lên án. Ngoài ông Duterte, Bikoy còn tố con trai tổng thống, cựu phó thị trưởng thành phố Davao, Paolo Duterte; cựu Trợ lý đặc biệt của Tổng thống Christopher "Bong" Go, hiện là ứng viên thượng nghị sĩ; con rể của ông Duterte, Manase Carpio, chồng thị trưởng thành phố Davao Sara Duterte đều là "những thành viên" trong một tập đoàn ma túy.
Tất cả đều phủ nhận không liên quan tới việc buôn ma túy bất hợp pháp. Ông Go nói rằng tổng thống "căm ghét" ma túy nên đó là lý do ông tránh xa hoạt động buôn bán này.
Trước đó, Bikoy đã tự xưng là Peter Joillac Advincula, một người đàn ông đô con, tuổi từ 20-30, tóc cắt rất sát, đeo kính. Phát biểu trước văn phòng Đoàn Luật sư Philippines (IBP), Advincula nói rằng cuộc sống của mình đang gặp nguy hiểm sau khi anh ta vướng vào ông Duterte và những người thân cận tổng thống.
Nga tìm ra phương án cứu vãn tàu sân bay duy nhất
Tập đoàn Đóng tàu Thống nhất Nga (USC) ngày 8/5 cho biết nhà máy sửa chữa tàu số 35 của nước này ở Murmansk đang nâng cấp một ụ nổi cho phép tiếp nhận tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov.
"Tàu sẽ được sửa chữa trên ụ nổi vào năm 2020 với điều kiện các sơ cở cần thiết được đảm bảo và năng lực của ụ nổi được tăng cường", nguồn tin từ USC nhấn mạnh. Nguồn tin khẳng định quá trình sửa chữa tàu Kuznetsov lần hai sẽ rất phức tạp nhưng nhiều khả năng sẽ hoàn thành vào năm 2021 theo đúng kế hoạch ban đầu.
Trước đó, nhiều nguồn tin cho biết hải quân Nga có thể phải cân nhắc sớm chấm dứt hoạt động và loại khỏi biên chế đối với tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov sau khi ụ nổi PD-50, phương tiện duy nhất có thể sửa tàu sân bay của Moskva, bị chìm hồi tháng 10/2018.
Các chuyên gia lúc đó nhận định để trục vớt PD-50, Nga cần thời gian ít nhất từ 6 tháng đến một năm, cũng như sự hỗ trợ về kỹ thuật và trang thiết bị thay thế từ cộng đồng quốc tế, điều khó xảy ra khi Moskva đang hứng chịu một loạt lệnh cấm vận từ phương Tây.
Ngoài ra việc đóng một ụ nổi thay thế càng khó khăn hơn, trong bối cảnh ngân sách dành cho lực lượng tàu chiến mặt nước của Nga ngày càng eo hẹp. Nền kinh tế trì trệ cùng các biện pháp trừng phạt quốc tế gần đây buộc chính quyền của Tổng thống Valdimir Putin phải tính toán, đầu tư một cách có trọng điểm và tập trung mạnh vào lực lượng tàu ngầm.