Anh đang phải đối mặt với mối de dọa ngày càng tăng từ những nỗ lực gây bất ổn bí mật của Nga, người đứng đầu cơ quan phản gián và an ninh Anh, MI5 nói.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Internet |
Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ The Guardian hôm 1/11, ông Andrew Parker, tổng giám đốc MI5 nói rằng những mối đe dọa bí mật đế từ nước ngoài, đặc biệt là Nga, ngày càng tăng lên giữa lúc mối đe dọa của Hồi giáo cực đoan đang thu hút nhiều sự chú ý.
Nga đã "sử dụng toàn bộ các cơ quan và khả năng của nhà nước để thúc đẩy Chính sách ngoại giao của mình ngày càng hung hăng - bao gồm các hoạt động tuyên truyền, gián điệp, lật đổ và tấn công mạng", ông Parker nói.
"Nga hiện đang hoạt động ở khắp châu Âu và Anh. Việc của MI5 là ngăn cản điều này".
Bên cạnh các hoạt động trứ danh của Nga tại Ukraine và Syria, Nga cũng phải chịu trách nhiệm cho "hoạt động bí mật khối lượng cao với mối đe dọa tấn công mạng", ông nói.
"Nga đã là một mối đe dọa bí mật trong nhiều thập kỷ. Điều khác biệt hiện nay là ngày càng có nhiều phương pháp sẵn có".
Ông Parker nói rằng Moscow "ngày càng xác định bản thân bằng cách đối lập với phương Tây và dường như hành động phù hợp với điều đó".
Moscow phủ nhận
Phát ngôn viện điện Kremlin Dmitry Peskov đã phủ nhận những khẳng định của ông Parker trong cuộc họp báo ở Moscow ngày 1/11.
"Những lời tuyên bố đó không phải là sự thật. Chúng tôi không đồng ý", ông nói với các phóng viên.
Đại sứ quán Nga tại London cũng đã có phản ứng, đăng lên tài khoản Twitter chính thức của mình là "rất tiếc khi thấy một người chuyên nghiệp lại mắc kẹt trong thế giới tuyên truyền của chính mình".
Kèm theo thông điệp trên là bức ảnh poster của một bộ phim hài Mỹ từ năm 1966 "Người Nga đang đến, Người Nga đang đến".
Nga đã bị giám sát sau các hoạt động bí mật bị cáo buộc gần đây của mình. Hồi tháng trước, chính quyền Obama đã cáo buộc điện Kremlin tấn công các email của Ủy ban Quốc gia Dân chủ về cuộc bầu cử Mỹ sắp diễn ra.
Bộ An ninh Nội địa và Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ cho biết một tuyên bố chung về vụ tấn công đã được đưa ra. Theo đó, vụ tấn công "có ý định can thiệp vào quá trình bầu cử Mỹ" và những hành động này "không mới mẻ gì" đối với Moscow.
"Người Nga đã sử dụng những chiến thuật và kỹ thuật tương tự ở khắp nơi, ví dụ như châu Âu, châu Á, để gây ảnh hưởng đến dư luận tại đó", tuyên bố của Bộ trên cho biết.
Nga cũng bác bỏ cáo buộc tấn công mạng này. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng đó là những lời cáo buộc "vô lý".
Bảo Linh (CNN)