Tổng thống Nga Putin nói rằng, cái gọi là "cuộc tấn công chống lại NATO của Nga" mà phương Tây đang lo ngại là điều chỉ có những người điên mới nghĩ đến khi đang nằm mơ.
Tờ Sputnik của Nga dẫn nguồn từ Defense News cho hay, trong những gì đang được quảng bá như là một "cuộc xâm lược" của Nga ở khu vực Bắc Âu và Baltic, Lầu Năm Góc đã công bố kế hoạch tăng cường phòng thủ châu Âu vào năm 2017, với biểu hiện là hàng loạt những cuộc tập trận quân sự chung với các đối tác ở Bắc Âu và Baltic.
Như một phần của việc mở rộng, các lực lượng Mỹ đã bố trí kho trang thiết bị hạng nặng ở Na Uy, bao gồm cả xe tăng M1A1 Abrams và xe tấn công đổ bộ. Quân đội Mỹ được báo cáo là đã triển khai thiết bị này cách đây 2 tuần tới các hang động bí mật thời Chiến tranh lạnh ở Na Uy. Động thái này được xem là nỗ lực để trang bị tốt hơn cho các đồn trạm gần biên giới NATO - Nga. Na Uy là quốc gia có đường biên giới kéo dài 121,6 dặm với Nga.
Hồi tháng 6/2015, Tổng thống Nga Putin từng đưa ra tuyên bố rằng, việc NATO mở rộng về biên giới với Nga là "điên rồ" và không cần thiết.
Tổng thống Nga Putin tuyên bố rằng, chỉ có những người điên mới nghĩ Nga đột ngột tấn công NATO. Ảnh: Sputnik |
"Tôi nghĩ rằng chỉ có người điên đang nằm mơ mới có thể tưởng tượng ra rằng Nga sẽ đột ngột tấn công NATO. Tôi nghĩ vài quốc gia chỉ đơn giản đang lợi dụng nỗi lo ngại của mọi người để nhắm vào Nga", ông Putin nói.
Moscow cũng cáo buộc Mỹ và NATO cố ý gây bất ổn an ninh và leo thang căng thẳng. Nhiều chuyên gia quan hệ quốc tế cũng bày tỏ lo ngại này và lưu ý rằng, mọi động thái của Mỹ trong khu vực đang làm gia tăng khả năng một cuộc đối đầu với Moscow.
Stephen Cohen, một giáo sư chuyên nghiên cứu về Nga ở Đại học New York cho rằng, việc mở rộng NATO là khúc dạo đầu cho một cuộc xung đột.
"Lần cuối cùng tôi có thể nhớ có một loại lực lượng quân sự thù địch được triển khai trên biên giới Nga là khi Đức Quốc xã xâm lược Nga vào năm 1941", ông Cohen nói.
Kare Simensen, một nghị sĩ trong Ủy ban Ngoại giao và Quốc phòng Na Uy, người không coi trọng việc Mỹ mở rộng và tăng cường lực lượng gần biên giới với Nga cho biết, rõ ràng Mỹ đang huấn luyện quân sự cho quân đội đa quốc gia ở Na Uy và Bắc Âu nên chẳng có lý do nào để tin rằng Nga là một sự khiêu khích.
Máy bay và tàu chiến Mỹ trong cuộc tập trận RIMPAC ở Thái Bình Dương hồi năm 2014. Ảnh: Flickr |
Ông Simensen cũng nói rằng ông hy vọng sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Nga và trấn an rằng "Na Uy là một thành viên của NATO, vì vậy, sự hiện diện của Mỹ ở đây là điều khá bình thường".
Quỹ tài trợ quân sự trị giá 6 tỷ USD dọc biên giới Nga - Na Uy đã được thành lập, xuất phát từ lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Obama trong những tuần gần đây. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng cần phải tăng gấp 4 lần sự hiện diện của quân đội Mỹ ở châu Âu.
Việc mở rộng NATO về phía biên giới Nga được triển khai sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố rằng Nga "đang đe dọa các nước láng giềng". Theo Sputnik, trong năm qua, giới chức quân sự Mỹ đã đưa ra nhiều báo cáo bất thường về Nga, gọi Moscow là "mối đe dọa" lớn nhất đối với an ninh thế giới.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc và các chỉ huy NATO hiện nay đã đề cập đến Moscow như một "mối đe dọa hiện hữu".
Hillary Clinton, ứng viên tổng thống Mỹ đang nhận được sự ủng hộ lớn nhất hiện này nhiều lần khẳng định rằng Nga là "mối đe dọa lớn nhất" đối với Mỹ. Ảnh: Sputnik |
Theo tờ báo Nga, tình hình hiện nay giữa Nga và NATO không thể được giải quyết bằng một chính quyền tổng thống mới trong năm 2017. Ứng viên tổng thống Mỹ đang nhận được sự ủng hộ lớn nhất hiện này là bà Hillary Clinton đã liên tục đề cập tại các phiên tranh luận quốc gia rằng Nga là "mối đe dọa lớn nhất" đối với Mỹ, và đưa ra đề nghị rằng "chúng ta phải gửi một thông điệp rõ ràng" cho Putin.
Lê Huyền (Sputnik)