Theo đó, câu viết được chú thích trên tờ lịch có nội dung: "Giao thừa vợ nấu cháo lươn/Chồng ăn chồng..., vợ trườn ra sân".
Ngay lập tức Cộng đồng mạng đã dấy lên ý kiến trái chiều, có người cho rằng đây là một sản phẩm photoshop để câu view, tuy nhiên cũng có không ít người bày tỏ bức xúc cho rằng sử dụng từ ngữ nhạy cảm trên tờ lịch Tết là không thể chấp nhận được.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam nói trên Zing, cho biết hai câu trên không phải là tục ngữ như chú thích trong tờ lịch. Ông khẳng định câu này được nhặt nhạnh lung tung nhưng khi trích dẫn, người trích không nắm rõ về nguồn, sách nào, ai sưu tầm.
Thực chất, ca dao nước ta cũng có những câu mang tính phồn thực nhưng chúng được chọn lọc, phản ánh kinh nghiệm, mang yếu tố thẩm mỹ, không bậy như câu trên. Sau đó, để đưa vào sách thì các nhà văn hóa dân gian đã chắt lọc để xem câu đó có điển hình, phù hợp thuần phong mỹ tục không.
PGS.TS Phạm Văn Tình cho rằng câu thơ trên không phải của dân gian vì giọng điệu, nội dung rất tục, không mang giá trị của tư duy dân gian. Nếu thực sự do nhà xuất bản đứng ra thu thập, đưa lên lịch thì vẫn không thể chấp nhận. Ông nói: "Có thể, người ta cũng tin những người làm lịch thường có kinh nghiệm, tri thức nhất định về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán, không thể ngờ đến việc đưa vào một câu như vậy, làm giảm giá trị văn hóa. Có lẽ, chúng ta cũng cần nhắc nhở người làm lịch thận trọng khi đưa thông tin lên tờ lịch”.
Theo Thanh niên, TS Hà Thanh Vân - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết: "Kho tàng ca dao Việt Nam đâu thiếu những câu hay mà không tục. Người biên soạn đưa câu này lên lịch nếu có thật thì không phù hợp với văn hóa truyền thống phong tục ngày Tết của Việt Nam. Chưa kể, phía đơn vị soạn lịch đã tự ý sửa để câu sai lệch, chữ 'thương chồng' và 'giao thừa' hoàn toàn khác nhau. Sự cố ý gò ép như vậy để phù hợp với ngày cuối năm là không chấp nhận được".