Tổng thống Mỹ Barack Obama dường như đã thất bại trong cuộc chiến chống IS sau một năm tuyên bố sẽ tiêu diệt tận gốc tổ chức khủng bố này.
National Interest ngày 14/9 đã đăng tải bài phân tích của tác giả Peter Harris, giảng viên, trợ lý giáo sư chuyên ngành Khoa học Chính trị tại Đại học Bang Colorado (Mỹ) về chiến lược chống IS thiếu quyết đoán của ông Obama.
Vào thời điểm này năm ngoái, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phát biểu trước công chúng Mỹ về chiến lược chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Một năm đã trôi qua nhưng IS không những không suy yếu mà còn giành được những chiến thắng quan trọng.
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu về kế hoạch chống IS tại Nhà Trắng tháng 9/2014. |
Trong bài phát biểu, ông Obama khẳng định IS là một tổ chức khủng bố và do vậy, có thể được giải quyết bằng các biện pháp chống khủng bố. Mỹ sẽ không cần phải đưa quân trực tiếp tham chiến chống IS.
Thay vào đó, Hoa Kỳ sử dụng các phương pháp giống như từng áp dụng đối với al-Qaeda và các mạng lưới tổ chức khủng bố khác. Các biện pháp này bao gồm không kích, phong tỏa tài chính và hỗ trợ lực lượng đồng minh trong khu vực.
Tác giải Peter Harris nhận định, Tổng thống Obama đã thành công trong việc thuyết phục dư luận trong nước về chiến lược chống IS. Bởi ông Obama đã tạo nên niềm tin nhờ chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden cũng như chích sách sử dụng máy bay không người lái trong chiến tranh.
Thứ hai, việc khắc họa IS là một tổ chức khủng bố đã xác định mối đe dọa trong an ninh quốc gia Mỹ. Tiêu diệt IS đồng nghĩa với việc vô hiệu hóa khả năng tấn công của Mỹ của các tổ chức khủng bố. Mục tiêu của chiến dịch rõ ràng không phải nhằm thiết lập lại an ninh ở Iraq và Syria mà chỉ đơn thuần vô hiệu hóa các phiến quân đe dọa đến lợi ích của Mỹ.
Thứ ba, ông Obama cần tìm cách để ngăn cản sự trỗi dậy của IS trở thành một yếu tố ảnh hưởng đến vấn đề chính trị trong nước. Tổng thống Mỹ cần cứng rắn với IS để xóa đi những chỉ trích từ phe diều hâu của Đảng Cộng hòa.
Theo tác giả Peter Harris, tuyên bố hứa hẹn về chiến dịch không kích, phủ nhận khả năng điều bộ binh và đưa ra một kế hoạch đáng tin cậy nhằm "làm suy yếu và tiêu diệt" IS đã đáp ứng những mục tiêu chính trị trong nước.
Vấn đề nằm ở chỗ, một năm đã trôi qua nhưng chiến lược này gần như đã thất bại hoàn toàn. IS không những không bị tiêu diệt mà còn tiếp tục kiểm soát một khu vực rộng lớn, tiến hành cuộc thanh trừng tàn bạo mà chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Phiến quân Hồi giáo IS phô trương thanh thế tại thủ phủ tự xưng Raqqa. |
Một năm trước, ông Obama có thể chỉ ra Yemen như một ví dụ điển hình về cuộc chiến chống IS. Các lực lượng Mỹ hoạt động cùng với chính phủ Yemen để truy quét các tay súng khủng bố al-Qaeda tạibán đảo Ả Rập. Đây được coi là hình mẫu điển hình cho chiến lược kiểm soát mối đe dọa khủng bố đối với lợi ích của Mỹ.
Nhưng kể từ khi Yemen rơi vào vòng xoáy nội chiến, nhiều tổ chức cực đoan, trong đó có AQAP đã chiến đấu để giành quyền kiểm soát đất nước. Quân nổi dậy Yemen còn mở đợt phản công nhằm vào đồng minh Saudi Arabia của Mỹ.
Tác giả Peter Harris cho rằng ông Obama đã sai lầm về cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, Iraq hay Yemen. Đây đều là những cuộc nội chiến mà Chính sách của Mỹ đã trở nên lỗi lời. Những kẻ thù được tổ chức quy mô giống như quân đội chỉ có thể đánh bại bởi chiến tranh thông thường, chứ không chỉ bằng không kích.
Cho đến nay, ông Obama vẫn tỏ ra bình tĩnh bởi tình hình Trung Đông đã không trở thành một vấn đề lớn liên quan đến chính trị trong nước. Có một vài lời chỉ trích nhằm vào ông Obama nhưng điều này không làm ảnh hưởng đến chính sách của Tổng thống Mỹ. Đó là lý do vì sao hồi tháng 7 vừa qua, ông Obama vẫn nhìn nhận IS là "tổ chức khủng bố".
Trên thực tế, Washington hiểu rõ tình hình bất ổn ở Syria trong thời gian dài sẽ là cơ sở để hình thành các tổ chức khủng bố mới. Nhưng dường như vì mục tiêu lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Mỹ đã làm ngơ để IS trỗi dậy. Cho đến nay, Mỹ vẫn để ngỏ khả năng lật đổ chính quyền Syria - PV.
Có một sự thật rằng IS không đơn thuần là một tổ chức khủng bố. Phiến quân Hồi giáo không chỉ sử dụng chiến thuật khủng bố thông thường mà còn xây dựng hệ thống hành pháp và thủ phủ riêng.
Theo tác giả Peter Harris, ông Obama sẽ còn tiếp tục áp dụng chiến lược chống IS theo quy mô chống khủng bố ở Syria và Iraq cho đến khi điều này vẫn còn đảm bảo sự ổn định chính trị trong nước. Đây cũng là ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Obama.
Học giả người Mỹ kết luận, nhiều sự kiện xảy ra đã làm thay đổi diện mạo khu vực Trung Đông trong năm qua. Hàng triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán. Nhưng chiến lược chống IS của Mỹ thì vẫn giữ nguyên, điều này sẽ chỉ càng khiến tình hình Trung Đông trở nên tồi tệ hơn.
Đăng Nguyễn