Theo Thành ủy TP.HCM , sau nhiều ngày nỗ lực quyết tâm, tình hình dịch trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp. Số ca nhiễm hàng ngày ở mức rất cao, nhất là trong khu phong tỏa, cách ly; số ca điều trị, ca nặng, tử vong ngày càng tăng; nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, vật tư thiết bị phục vụ phòng, chống dịch quá tải...
Vì vậy, để hạn chế trường hợp tử vong, bảo vệ hệ thống y tế và khả năng điều trị, cứu chữa bệnh nhân, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo tăng cường một số biện pháp trong thực hiện Chỉ thị 16.
Theo đó, Thành ủy yêu cầu tạm dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh và công trường, công trình xây dựng, giao thông không thật sự cấp bách. Ngân hàng, công ty chứng khoán duy trì công suất để cung ứng dịch vụ cần thiết, bố trí nhân sự theo ca kíp.
Hoạt động của các KCN, doanh nghiệp (DN) bị siết chặt. Chỉ DN dịch vụ thiết yếu về y tế, dược phẩm, lương thực, thực phẩm, cung cấp suất ăn cho các bệnh viện, khu cách ly, khu thu dung điều trị; cung cấp điện, nước, gas, bưu chính, viễn thông, vệ sinh công cộng, vận chuyển hàng hóa thiết yếu; dịch vụ tang lễ, kho bạc Nhà nước và dịch vụ thiết yếu khác do cấp có thẩm quyền quy định mới được hoạt động.
DN khác chỉ hoạt động khi tuân thủ "3 tại chỗ" hoặc "một cung đường, hai điểm đến".
Thành ủy TP.HCM cũng yêu cầu tăng kiểm tra, giám sát, đảm bảo giãn cách giữa cá nhân với cá nhân; gia đình với gia đình.
Trong khu phong tỏa, các địa phương thực hiện triệt để "người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình"; tuyệt đối không được tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh.
Người dân chỉ được phép ra khỏi nhà khi: Có yêu cầu cấp cứu y tế; mua thực phẩm thiết yếu tại siêu thị, chợ trong khu phong tỏa (2 lần/tuần và sử dụng phiếu đi chợ/siêu thị do chính quyền địa phương cấp).
Với một số khu vực có nguy cơ rất cao thì từng hộ dân chỉ ở trong nhà, lực lượng chức năng tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng nhà.
Trong khu cách ly, người cách ly không được ra khỏi phòng và không tiếp xúc trực tiếp với người khác (trừ trường hợp cấp cứu y tế).
Các hộ gia đình có trường hợp F0, F1 cách ly tại nhà cần thực hiện nghiêm theo hướng dẫn của ngành y tế, tuyệt đối không ra khỏi nhà (trừ cấp cứu); lương thực, thực phẩm thiết yếu sẽ được hỗ trợ, cung cấp tại nhà.
Các khu nhà trong hẻm nhỏ, chằng chịt, đông người, mật độ dân số cao cần thực hiện triệt để yêu cầu giãn cách cá nhân với cá nhân.
Trong đợt dịch thứ 4, từ 27/4 đến sáng 23/7, TP.HCM ghi nhận 48.863 ca mắc Covid-19, là tâm dịch lớn nhất trên cả nước. Cách đây 2 ngày, Thủ tướng lập tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, đặt tại TP HCM, để xử lý vấn đề phát sinh trong phòng chống dịch ở 19 tỉnh, thành thực hiện Chỉ thị 16. Tổ công tác do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo, Thứ trưởng Quốc phòng Võ Minh Lương làm tổ trưởng.
Trong ngày hôm nay, 16 xe chuyên dụng của Quân khu 7, chia làm 2 đội sẽ phun hoá chất tiêu độc, khử khuẩn toàn bộ quận, huyện TP HCM trong vòng 1 tuần.
Đối với các khu vực cách ly, phong tỏa, khu vực bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19, các địa bàn có nguy cơ từ cao đến rất cao sẽ được lực lượng tổ chức phun khử khuẩn liên tục, khép kín.