Theo tin tức trên báo Người lao động, Tiền phong, trong cuộc họp về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM, ông Nguyễn Xuân Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, năng lực cung ứng hàng hóa của chợ truyền thống với mặt hàng lương thực thực phẩm là 60-70%.
Đại diện Sở Công Thương TP.HCM đánh giá, tình hình hiện nay không phải thiếu nguồn cung cấp lương thực thực phẩm mà là thiếu hệ thống phân phối, đầu ra là thương lái không có.
Lãnh đạo Thành ủy TP.HCM đồng thuận và chỉ đạo các địa phương thực hiện giải pháp căng cơ nhất là tích cực nghiên cứu rà soát mở lại truyền thống. Dù vậy không mở cửa toàn bộ chợ mà chỉ ưu tiên hàng hóa thiết yếu, thí điểm rau củ quả.
TP sẽ lựa chọn 1 số tiểu thương có năng lực cung ứng hàng hóa và mặt hàng thiết yếu phối hợp với ban quản lý các chợ đăng ký phát phiếu mua theo giờ, đóng gói đồng giá và lấy hàng để cung ứng hàng hóa cho địa phương và giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh.
TP đã bàn với các bộ, ngành trung ương, địa phương, về việc tổ chức lại mạng lưới, hệ thống phân phối hàng hóa, không chỉ dựa vào các trụ cột chính như Co.opmart, Satra Food, Bách Hóa Xanh… TP cũng huy động các hệ thống khác vào cuộc, như các chuỗi cung ứng thực phẩm công nghiệp; yêu cầu ngành công thương, các địa phương trao đổi với các thành phần kinh tế, hiệp hội để có thể tham gia cung ứng các mặt hàng thiết yếu.
Theo ông Phan Văn Mãi, TP HCM có dân số hơn 10 triệu người, khi thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, vấn đề cung ứng hàng hóa, bảo đảm đời sống cho người dân sẽ gặp khó khăn nhất định. Lãnh đạo TP cam kết không để ai thiếu đói hoặc rơi vào hoàn cảnh cùng cực do dịch Covid-19 trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16. TP đã chuẩn bị kỹ về kế hoạch cung ứng hàng hóa và sẽ không để xảy ra tình trạng tăng giá, khan hiếm hàng hóa.