Theo hai chuyên gia quốc phòng của tạp chí IHS Jane's, tiến độ xây dựng các cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở Gạc Ma và một số đá khác thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam cho thấy khả năng Bắc Kinh sẽ dùng các điểm này làm bàn đạp để tấn công các mục tiêu của các nước cùng có tranh chấp trong khu vực.
Tạp chí IHS Jane’s dẫn lời hai chuyên gia James Hardy và Sean O'Connor, chuyên phân tích và tư vấn công nghiệp quốc phòng cho biết, các hình ảnh vệ tinh từ Tổ chức Quốc phòng và Không gian Airbus cho thấy tiến độ đáng kể trong việc xây dựng của Trung Quốc trên đá Gạc Ma ở Trường Sa.
Cho đến đầu năm 2014, cơ sở duy nhất ở Gạc Ma mới chỉ là nền bê tông nhỏ, dành cho hạ tầng thông tin liên lạc, tòa đồn trú và bến tàu, thì đến nay, cơ sở này đã được bao quanh bởi một hòn đảo có diện tích khoảng 100.000 m2.
Trung Quốc đã cho xây dựng một đập ngăn nước biển được gia cố bao quanh cả đảo, có hai bến tàu và một cầu tàu ở mạn Tây Bắc. Một tòa nhà lớn ở mạn Tây Nam và các thiết bị khác là máy bơm khử muối, máy trộn bê tông và một kho nhiên liệu.
Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây đảo tại Gạc Ma (Ảnh: IHS)
Gạc Ma không phải là công trình duy nhất Trung Quốc xây dựng tại Trường Sa. Các hình ảnh do truyền thông Trung Quốc công bố ngày 13/9 cho thấy, Bắc Kinh cũng đang xây dựng công trình tương tự tại đá Châu Viên, bao gồm công trình khử muối, cần trục, máy khoan, cùng với các đống nguyên liệu xây dựng.
Hồi tháng 6, hệ thống theo dõi tự động AISLive của IHS Jane's cũng ghi nhận tàu Ting Jing Hao, một tàu thực hiện nạo vét hầu hết công trình khai hoang của Trung Quốc ở Trường Sa, đến đá Châu Viên ba lần kể từ tháng 9 năm ngoái, lần gần nhất là ngày 10/4 và ngày 22/5 vừa qua. Ting Jing Hao cũng đến đá Ga Ven, ở trung tâm của Trường Sa và gần tới đảo Ba Bình.
Hồi tháng Tám, các hình ảnh do Chính phủ Philippines công bố cho thấy, Trung Quốc xây dựng khá quy mô ở đá Ken Nan, nằm trong cụm Sinh Tồn vốn đang được Việt Nam khai thác.
Theo hai chuyên gia James Hardy và Sean O'Connor nhận định, ở các đá nói trên, Trung Quốc đang xây dựng các đảo xung quanh nền bê tông được xây dựng từ thập niên 1980 và 1990. Chương trình mở rộng khai hoang ở Trường Sa của Bắc Kinh phớt lờ Tuyên bố DOC năm 2002 mà Trung Quốc ký với ASEAN, trong đó các nước có liên quan cam kết không làm phức tạp tình hình.
"Các hoạt động của Bắc Kinh ở Trường Sa trong 12 tháng qua là thách thức lớn với hiện trạng Biển Đông khi họ tạo nên các cơ sở có năng lực hỗ trợ binh lính đồn trú ở các khu vực rất gần với các điểm mà các nước khác chiếm giữ ở Trường Sa".
Lịch sử về các cuộc xung đột ở Biển Đông cho thấy, những cơ sở như vậy có thể được dùng làm điểm xuất phát cho các cuộc tấn công vào các thực thể gần đó, mặc dù đến nay Trung Quốc vẫn nhấn mạnh yêu sách chủ quyền phi lý bằng sử dụng tàu bán quân sự và biện pháp bao vây.
Yên Yên (Nguồn: IHS Jane's)
Theo Người đưa tin