Tin mới

Hiểm họa khôn lường từ căn cứ quân sự trái phép TQ xây trên đảo Gạc Ma

Thứ tư, 11/06/2014, 10:30 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines cảnh báo, nếu Trung Quốc hoàn thành kế hoạch xây căn cứ quân sự ở đảo Gạc Ma, đó không còn là mối đe dọa cho riêng quốc gia nào mà còn khiến khu vực châu Á – Thái Bình Dương rơi vào tình trạng nguy hiểm. Philippines công bố ảnh TQ xây dựng trái phép tại đảo Gạc Ma Hình ảnh Trường Sa năm 1988, sau trận Gạc Ma 1 tháng

(Tinmoi.vn) Cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines cảnh báo rằng, nếu Trung Quốc hoàn thành kế hoạch xây căn cứ quân sự ở đảo Gạc Ma, đó không còn là mối đe dọa cho riêng quốc gia nào mà còn khiến khu vực châu Á – Thái Bình Dương rơi vào tình trạng nguy hiểm.

 

Kênh tin tức ANC (Philippines) hôm 10/6 dẫn lời cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines - ông Roilo Golez - nhận định rằng, an ninh toàn khu vực Đông Nam Á sẽ rơi vào tình trạng bấp bênh một khi Trung Quốc hoàn thiện cơ sở quân sự, đường băng trái phép trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ông Golez khẳng định Trung Quốc muốn thay đổi thế cân bằng quyền lực tại Đông Nam Á qua kế hoạch xây dựng các công trình phi pháp này.

“Trung Quốc muốn củng cố quyền lực trên Biển Đông và biến nơi đây thành ao nhà. Họ thực sự muốn khẳng định tuyên bố chủ quyền trong đường lưỡi bò tự vẽ ra. Họ muốn thay đổi cán cân quyền lực ở châu Á - Thái Bình Dương vì nước Mỹ vẫn đang giữ vị trí thống trị. Trung Quốc đã bắt đầu thách thức vị trí này”, ông Golez nhận định.

Hiểm họa khôn lường từ căn cứ quân sự trái phép TQ xây trên đảo Gạc Ma

Thiết kế căn cứ quân sự bao gồm một sân bay trên bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam do Viện Nghiên cứu và Thiết kế số 9 của Trung Quốc tiết lộ

 “Căn cứ mà Trung Quốc dự tính xây bao gồm cả bến tàu để họ có thể tiếp tế và hỗ trợ cho các tàu khu trục. Ngoài ra, bạn có thể thấy đường băng có chiều dài hơn 1,6 km. Điều này thực sự nguy hiểm vì đây có thể làm căn cứ cho các máy bay chiến đấu, như chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc (có phạm vi hoạt động hơn 3.200 km). Đảo Gạc Ma là chấm tròn ở giữa, vòng tròn xung quanh bán kính khoảng hơn 1.600 km. Phạm vi này bao gồm rất nhiều phần lãnh thổ của các nước trong khu vực. Do vậy tất cả căn cứ của chúng ta đều bị đe dọa”, ông Golez nhấn mạnh.

Cựu đại sứ Philippines Parañaque nhận định rằng, nếu căn cứ quân sự được hoàn thành, máy bay phản lực của Trung Quốc có thể dễ dàng tiếp cận với toàn bộ Philippines, Việt Nam và một số khu vực của Malaysia trong vòng bán kính 1.000 dặm của cơ sở.

Trước đó, trang web tin tức trực tuyến Qianzhan.com (Trung Quốc) cho biết ước tính chi phí xây dựng các cơ sở này vào khoảng 5 tỷ USD.

Robert D. Kaplan, chuyên gia trưởng Stratfor, một cơ quan phân tích toàn cầu, cho biết, Biển Đông là ngả thông thương quan trọng giữa hai người khổng lồ châu Á Trung Quốc và Ấn Độ, kiểm soát hơn một nửa lượng tàu bè của toàn cầu, trong đó có 80% lượng cung dầu mỏ của Trung Quốc. Trong cuốn sách mới có tựa đề “Asia's Cauldron” (Tạm dịch Vạc dầu châu Á), Kaplan viết, việc kiểm soát các vùng biển và thương mại thế giới là lý do vì sao Biển Đông “đang là vùng biển bị tranh chấp gay gắt nhất thế giới”.

Hiểm họa khôn lường từ căn cứ quân sự trái phép TQ xây trên đảo Gạc Ma

Trung Quốc đang có động thái ngày một hiếu chiến khi lên kế hoạch xây dựng đảo nhân tạo ở trung tâm Biển Đông nhằm phục vụ cho mục đích quân sự

Cũng theo Kaplan, khi kinh tế phát triển, Trung Quốc đương nhiên sẽ tìm kiếm mở rộng phạm vi ảnh hưởng. Nhưng Trung Quốc không chỉ muốn thương mại. Họ còn đang tìm cách đẩy lùi Hải quân Mỹ, lực lượng từ trước tới nay là “người bảo vệ” hòa bình và thương mại trong khu vực.

Khi xây dựng một hòn đảo nhân tạo trên bãi đá ngầm Gạc Ma hay Bãi Chữ Thập mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam năm 1988, Trung Quốc dự định lập một Vùng nhận dạng phòng không tương tự như cách làm ở trên Hoa Đông vào năm ngoái.

Trong khi đó, giáo sư Richard Heydarian (ngành Quan hệ quốc tế, Đại học Ateneo, Philippines) cho rằng Trung Quốc muốn “tạo sự đã rồi” bằng cách khai hoang, cải tạo và chiếm các vùng biển tranh chấp cùng những phần đất tại đó.

Theo ông Heydarian, Trung Quốc còn có thể tận dụng biện pháp này khi đối mặt với phán quyết quốc tế về tranh chấp lãnh thổ và hàng hải với các láng giềng trong khu vực.

“Trung Quốc dự đoán họ sẽ phải đối mặt với phán quyết pháp lý từ trọng tài quốc tế. Nếu xem xét những xu hướng trọng tài quốc tế gần đây sẽ thấy họ thường ưu tiên và giành đặc quyền cho những quốc gia tiếp tục thiết lập và thực thi quyền chủ quyền hiệu quả và liên tục. Nếu Trung Quốc có thể xây dựng các cơ sở tại đây, biến nó thành các hòn đảo nhân tạo và nằm trong vùng kinh tế 200 hải lý thì Trung Quốc có thể tìm ra cách để biện hộ".

Trong khi đó, giáo sư Jin Canrong, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh, cho biết, chính quyền trung ương Trung Quốc đã nhận bản đề xuất xây dựng một đảo nhân tạo tại bãi đá ngầm Chữ thập. Theo giáo sư Jin, đảo nhân tạo này sẽ gấp đôi căn cứ quân sự Mỹ ở Diego Garcia - đảo san hô có diện tích 44 km vuông nằm ở giữa Ấn Độ Dương.

 

Yên Yên (Theo ANC)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news